Cơ đốc nhân Và Chính Trị

CƠ ĐỐC NHÂN CÓ BỊ THU HÚT VÀO CÁC HOẠT ĐỘNG CHÍNH TRỊ?

Trả lời:


Đây là một chủ đề thiết thực. Nhiều người có quan niệm rằng không nên tranh luận về chính trị với bạn bè hoặc người thân vì đề tài này dễ đi đến chia rẽ. Đáng tiếc là nhiều Cơ đốc nhân đã đánh mất hy vọng trong các cấp chính quyền đại diện cho mình và ngày càng đi ra khỏi các vấn đề về chính trị. Nếu bạn hỏi một Cơ đốc nhân trong nhà thờ về mối quan tâm của anh ta với các hoạt động chính trị, bạn sẽ nhận được câu trả lời khá thờ ơ. Đâu là lý do chính khiến cho các tín hữu tránh né chủ đề này?
Sẽ là một sự hổ thẹn nếu quay lưng với các hoạt động chính trị, bởi vì chúng có vai trò rất quan trọng trong đời sống chúng ta. “Chính trị” theo nghĩa đen có nghĩa là các hoạt động liên quan đến công dân. Một trong các hoạt động chính trị là bầu chọn ra các viên chức công quyền đại diện cho người dân thông qua một cơ chế dân chủ phổ thông đầu phiếu. Nó có sự cạnh tranh giữa các đảng phái khác nhau nhưng cùng theo đuổi một mục tiêu chung là phục vụ người dân.
Né tránh việc ủng hộ một đảng phái chính trị có thể là một điều tốt, nhưng tránh xa các vấn đề về đạo đức trách nhiệm trong xã hội, không đứng chung với cộng đồng là điều không tốt. Cơ đốc nhân là muối và ánh sáng của thế giới. Chúng ta không thể để mặc cho những người ngoại giải quyết các vấn đề của xã hội, đất nước và rồi cuối cùng nhiều người đi vào địa ngục.
Có nhiều hoạt động chính trị làm cho tình trạng chung của quốc gia xấu đi như: những chính sách tồi của nhà cầm quyền hoặc của một đảng phái, những lời hứa tranh cử của các ứng viên chỉ là những lời có cánh… Vì vậy đây là câu hỏi dành cho chúng ta là những Cơ đốc nhân: Chúng ta muốn sống như thế nào ở Mỹ? Quay lưng với các hoạt động chính trị hay quan tâm đến và tham gia? Chúng ta có muốn chính quyền giới hạn hoặc tước bỏ quyền tự do tôn giáo? Chúng ta có muốn tiền thuế của mình dùng để trả lương cho một chính quyền chủ trương ủng hộ phá thai và loại bỏ vai trò đáng phải có của Kinh Thánh trong trường học?
Để tiến hành các hoạt động chính trị, rất nhiều sắc luật liên quan được lưỡng viện quốc hội, tòa án, chính phủ, các cơ quan có liên quan và tổng thống thông qua. Nếu những hoạt động này không có sự tham gia của các Cơ đốc nhân thì chúng sẽ chỉ phản ánh những tiêu chí, giá trị của thế giới mà thôi. Lúc đó ảnh hưởng của Cơ đốc giáo sẽ bị loại bỏ.

Phá thai, tình dục đồng giới, cờ bạc không phải là các hoạt động chính trị, nhưng rõ ràng chúng là các vấn đề về đạo đức. Bất cứ vấn đề nào về phạm vi đạo đức cũng được các nhà làm luật soạn thảo trở thành luật. Đây chính là lý do Cơ đốc nhân nên tham gia vào các hoạt động chính trị này vì chúng liên quan đến chính bản thân chúng ta. Nếu có thêm nhiều Cơ đốc nhân hiểu biết đường lối Đức Chúa Trời tham gia vào công việc lập pháp, soạn thảo các sắc luật, thì bức tranh của xã hội Mỹ sẽ được cải thiện hơn.
Làm việc trong các bộ phận công quyền của chính phủ thường được đánh giá cao. Tuy nhiên cần có một lương tâm trong sáng và sự hướng dẫn từ Kinh Thánh thì tốt hơn nhiều. Công việc của Đức Chúa Trời là chỉ định các quyền cai trị trên đất: “Mọi người phải vâng phục các đấng cầm quyền trên mình; vì chẳng có quyền nào mà không đến bởi Đức Chúa Trời, các quyền đều bởi Đức Chúa Trời chỉ định.” (Rô-ma 13:1). Phao-lô cũng hướng dẫn Ti-mô-thê phải cầu nguyện cho nhà cầm quyền, đây là trách nhiệm đạo đức của Cơ đốc nhân: “Vậy, trước hết mọi sự ta dặn rằng, phải khẩn nguyện, cầu xin, kêu van, tạ ơn cho mọi người, cho các vua, cho hết thảy các bậc cầm quyền, để chúng ta được lấy điều nhân đức và thành thật mà ở đời cho bình tịnh yên ổn.” (1 Ti-mô-thê 2:1-2)
Những trích dẫn từ Lời Chúa phía bên dưới sẽ khích lệ chúng ta ngày càng gia tăng về số lượng muối và ánh sáng tại nơi chúng ta sống để tạo một ảnh hưởng tốt đến xã hội (Ma-thi-ơ 5:13-16).

ÁP DỤNG
Ai sẽ là người bênh vực cho lẽ phải và công lý nếu như Cơ đốc nhân không làm điều đó? Dĩ nhiên niềm tin của chúng ta không đặt nơi một chính trị gia cho dù người đó đầy tài năng. Nhưng chúng ta cầu nguyện, hỗ trợ cho những người lãnh đạo có lòng kính sợ Chúa, tôn trọng luật pháp, biết giữ lời hứa, quên mình để phục vụ mọi người. “Xin Chúa dấy lên những người công nghĩa để cai trị đất nước này.” Amen?
Hãy suy nghĩ về những ảnh hưởng mà những người nam và nữ trong Kinh Thánh đã làm nên sự khác biệt vì họ đã không đứng bên ngoài các hoạt động chính trị trong thời của họ:
– Ê-li đương đầu với A-háp (1 Các vua 17-18)
– Na-than quở trách vua Đa-vít sau khi vua phạm tội (2 Sa-mu-ên 12)
– Giăng Báp-tít can gián vua Hê-rốt vi phạm luật Do-thái (Ma-thi-ơ 14:1-4)
– Ê-xơ-tê đứng về phía tuyển dân tìm cách thay đổi sắc lệnh của vua, bênh vực quyền lợi dân tộc (Ê-xơ-tê 7:1-10)
– Phao-lô biện hộ cho quyền công dân Rô-ma của ông (Công vụ 22:24-29; 23:12-33; 25:10-12)

KINH THÁNH THAM KHẢO
2 Sa-mu-ên 12; 1 Các vua 17-17; Ma-thi-ơ 14:1-2; Công vụ 22:24-29; 23:12-33; 25:10-12; Rô-ma 13:1-4; 1 Ti-mô-thê 2:1-2, 1 Phi-e-rơ 2: 13-17

Hướng Đi biên soạn

Sách tham khảo:

The Bible’s Answers To 100 of Life’s Biggest Questions, by Norman L. Geisler & Jason Jimenez

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *