“Ngày của Chúa” trong Khải Huyền 1:10 là ngày nào?

“Ngày của Chúa” trong Khải Huyền 1:10 là ngày nào?

 

Khải Huyền 1:10:

“Nhằm ngày của Chúa, tôi được Đức Thánh Linh cảm hóa, nghe đằng sau có tiếng kêu vang, như tiếng loa”

Câu hỏi:

“Ngày của Chúa” là ngày nào? Ngày Thứ Bảy hay Chủ Nhật?

Giải đáp:

Những người chủ trương tuân giữ ngày Sa-bát (Thứ Bảy) cho rằng “ngày của Chúa” là ngày Thứ Bảy (ngày Sa-bát), vì Mác 2:28 chép: “Vậy thì Con người (Chúa Jesus) cũng làm chủ ngày Sa-bát.” Cách giải thích nầy rất khó thuyết phục, vì chúng ta thấy lời nói của Chúa Jesus ngụ ý Ngài làm chủ (“lord”, không viết hoa) của “ngày Sa-bát”, chứ “ngày Sa-bát” không làm chủ Ngài. Như vậy, không thể dùng Mác 2:28 để giải thích cho “ngày của Chúa” (Lord, viết hoa)

Những người chủ trương giữ ngày Chủ Nhật cho rằng “ngày của Chúa” là ngày Chủ Nhật (ngày Thứ Nhất trong tuần), vì đó là ngày Chúa Jesus sống lại. Cách giải thích nầy khó chấp nhận, vì không có bằng chứng gì chứng minh ngày Chúa sống lại liên quan đến Khải Huyền 1:10.

Cách giải thích tốt hơn là căn cứ vào nội dung của sách Khải Huyền. Nếu đọc câu 11 kế tiếp sẽ thấy vào “ngày của Chúa” Giăng được Đức Thánh Linh cảm hóa để làm gì: “Điều ngươi thấy, hãy chép vào một quyển sách mà gởi cho bảy Hội Thánh tại Ê-phê-sô, Si-miệc-nơ, Bẹt-găm, Thi-a-ti-rơ, Sạt-đe, Phi-la-đen-phi và Lao-đi-xê.” Nhằm “ngày của Chúa”, Sứ đồ Giăng được cảm bởi Đức Thánh Linh và ông được truyền phải làm một việc quan trọng: Những gì ông được Chúa cho thấy phải viết vào một quyển sách để gửi cho bảy Hội Thánh, đó là sách Khải Huyền mà chúng ta có ngày nay. Nội dung chính yếu của Khải Huyền bao gồm những biến cố sẽ xãy đến trong thời kỳ sau rốt.

“Ngày của Chúa” (“Lord’s day” hay “day of the Lord”) trong Khải Huyền 1:10 không nhất thiết phải chỉ về một ngày nào đó trong tuần lễ (từ Chủ Nhật đến Thứ Bảy), nhưng chỉ về một khoảng thời gian được Chúa định trước, khoảng thời gian nầy bao gồm một chuổi các sự kiện đặc biệt nằm trong chương trình của Đức Chúa Trời cho thời kỳ sau cùng.

Nhiều nơi trong các sách tiên tri trong Cựu Ước có đề cập đến “ngày của Chúa” hay “ngày của Đức Giê-hô-va” (day of The Lord) chỉ về thời kỳ sau cùng của thế giới:

Ngày lớn của Đức Giê-hô-va đã gần, đã gần rồi; nó đến rất kíp. Ngày của Đức Giê-hô-va có tiếng động; bấy giờ người mạnh dạn sẽ kêu khóc đắng cay. Ngày ấy là ngày thạnh nộ, ngày hoạn nạn và buồn rầu, ngày hủy phá và hoang vu, ngày tối tăm và mờ mịt, ngày mây và sương mù.” (Sô-phô-ni 1:14,15)

“Các ngươi khá than khóc! Vì ngày của Đức Giê-hô-va đã gần: ngày đó đến như cơn tai nạn đến bởi Đấng Toàn năng.” (Ê-sai 13:6)

“Song le, ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm. Bấy giờ các từng trời sẽ có tiếng vang rầm mà qua đi, các thể chết bị đốt mà tiêu tán, đất cùng mọi công trình trên nó đều sẽ bị đốt cháy cả. Vì mọi vật đó phải tiêu tán thì anh em đáng nên thánh và tin kính trong mọi sự ăn ở của mình là dường nào, trong khi chờ đợi trông mong cho ngày Đức Chúa Trời mau đến, là ngày các từng trời sẽ bị đốt mà tiêu tán, các thể chất sẽ bị thiêu mà tan chảy đi!” (II Phi-e-rơ 3:10-12)

Các câu Kinh Thánh trên cho thấy “ngày của Chúa” chỉ về thời kỳ sau cùng mà Đức Chúa Trời sẽ thi hành sự phán xét trên thế gian không vâng phục Ngài.

Nhằm “ngày của Chúa”, Giăng được Chúa cho thấy tất cả các khải tượng về ngày sau cùng và ông phải ghi chép lại điều ông thấy thành sách Khải Huyền. Sách Khải Huyền chứa đựng rất nhiều hình ảnh làm biểu tượng mà chúng ta không thể hiểu theo nghĩa đen, nhưng phải hiểu theo nghĩa hàm ngụ. Cũng vậy, “ngày của Chúa” không nên hiểu theo nghĩa đen (các ngày trong tuần lễ), nhưng nên hiểu theo nghĩa hàm ngụ, là hình bóng về một “khoảng thời gian” bao gồm các sự kiện trong thời kỳ sau cùng, đặc biệt là sự phán xét của Đức Chúa Trời trên thế giới trong 7 năm đại nạn.

Trần Đình Tâm

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *