Antichrist (Phần 1)

Antichrist (Phần 1)

Trần Đình Tâm

Nhân vật được các tài liệu viết về thời kỳ sau cùng đề cập nhiều nhất và được phân tích nhiều nhất là “Antichrist”. Chúng ta cần biết rằng “Antichrist” không phải là một hình ảnh làm biểu tượng nhưng là một nhân vật, một cá thể, là một con người thật sự sẽ xuất hiện trên thế giới vào đúng thời điểm Đức Chúa Trời cho phép xuất hiện. Antichrist sẽ là nhân vật nổi bật trong thời kỳ sau cùng và giữ một vai trò cực kỳ quan trọng trong các diễn biến cuối cùng của thế giới loài người. Dù từ ngữ “Antichrist” xuất hiện rất ít trong Kinh Thánh, thậm chí từ ngữ nầy cũng không thấy trong sách Khải Huyền, chỉ xuất hiện trong thư tín thứ nhất của Giăng, nhưng hình ảnh của Antichrist với cá tính, vai trò, hành động, ảnh hưởng và số phận của nhân vật nầy thì được Kinh Thánh bày tỏ rất rõ ràng trong vài sách tiên tri và sách Khải Huyền.

1. Ý nghĩa của từ ngữ “Antichrist”:

Từ ngữ “Antichrist” chỉ được tìm thấy trong sách thư tín của Giăng, gồm tất cả 4 câu: I Giăng 2:18; I Giăng 2:22; I Giăng 4:3 và II Giăng 7.

“Antichrist” (Hy văn: ἀντιχρίστου) gồm hai từ sau đây ghép lại: Anti + Christ.

“Anti” (ἀντι) có nghĩa chống lại, đối nghịch lại (over against, opposite to); “Christ” (χρίστου) có nghĩa Chịu Xức Dầu.

Như vậy, Antichrist có nghĩa “chống nghịch lại Đấng Christ”

Một số các học giả Kinh Thánh đưa ra thêm một ý nghĩa khác cho từ ngữ “anti”: có nghĩa thay thế, bắt chước, hay giả dạng (instead of, in place of) . Ý tưởng nầy căn cứ vào các câu Kinh Thánh nói về những người tự xưng mình là “Christ”: “Vì nhiều người sẽ mạo danh ta đến mà nói rằng: Ta là Đấng Christ; và sẽ dỗ dành nhiều người.” (Ma-thi-ơ 24:5); “Vì nhiều christ giả(false Christs) và tiên tri giả sẽ dấy lên.” (Ma-thi-ơ 24:24).

Tuy nhiên, nếu chúng ta nghiên cứu ý nghĩa của từ ngữ “antichrist” được dùng trong thư tín Giăng, Antichrist có nghĩa là “kẻ chống Chúa Jesus” chứ không phải “kẻ giả mạo Chúa Jesus”. Trên thực tế, chúng ta nhận thấy những người tự xưng là Đấng Christ (giả mạo Christ) không có mục đích trực tiếp chống nghịch Chúa, nhưng chỉ tôn cao chính mình, truyền bá những giáo lý sai lạc (giống như giáo sư giả hay tiên tri giả). Cho dù những người nầy cũng là công cụ của Sa-tan, nhưng vẫn không phải là Antichrist, là kẻ chống nghịch Chúa, sẽ xuất hiện trong ngày sau cùng. Ngoài ra, còn một chi tiết chúng ta cần lưu ý: Người giả mạo Đấng Christ (Christ giả) thì có nhiều (Ma-thi-ơ 24:24), nhưng kẻ chống nghịch Đấng Christ (Antichrist) xuất hiện trong ngày sau rốt chỉ là một người mà thôi. Antichrist và Christ giả không phải là một, nhưng là hai người khác nhau. [Xin đọc thêm bài “Antichrist trong thư tín của Giăng”]

2. Những thuật ngữ được dùng để ám chỉ về Antichrist:

Kinh Thánh sử dụng nhều thuật ngữ (term, title) đặc biệt để ám chỉ về một nhân vật: “Antichrist”, chúng ta cũng tìm hiểu ý nghĩa của từng thuật ngữ:

1/ Người của tội ác (The man of sin):

“Mặc ai dùng cách nào, cũng đừng để họ lừa dối mình. Vì phải có sự bỏ đạo đến trước, và có người tội ác, con
của sự hư mất hiện ra.” (II Tê-sa-lô-ni-ca 2:3).

“Người của tội ác” (The man of sin) cho thấy hai điều sau đây:

+ Đây là một con người bằng xương thịt như chúng ta sẽ xuất hiện.

+ Bản chất của nhân vật nầy rất gian ác và xấu xa, chuyên thực hiện những công việc chống nghịch lại Đức Chúa Trời, nên được gọi là “người của tội ác”.

Trong ngày sau cùng, sẽ xuất hiện một người bằng xương bằng thịt, gian ác tột bật, nên được gọi là NGƯỜI CỦA TỘI ÁC.

2/ Con của sự hư mất (The son of Perdition):

“Mặc ai dùng cách nào, cũng đừng để họ lừa dối mình. Vì phải có sự bỏ đạo đến trước, và có người tội ác, con
của sự hư mất hiện ra.” (II Tê-sa-lô-ni-ca 2:3).

“Con của sự hư mất” (the son of perdition) khiến chúng ta nhớ đến Giu-đa Ích-ca-ri-ốt, vị sứ đồ phản Chúa Jesus, bị Chúa Jesus kể là con của sự hư mất (the son of perdition) trong Giăng 17:12. Hành động của Giu-đa Ích-ca-ri-ốt do Sa-tan điều khiển vì Lu-ca 22:3 cho biết “Vả, quỉ Sa-tan ám vào Giu-đa, gọi là Ích-ca-ri-ốt”, và Giăng 13:27: “Liền khi Giu-đa đã lấy miếng bánh, thì quỉ Sa-tan vào lòng người.” Hành động thắt cổ tự tử của Giu-đa cũng do Sa-tan xui khiến. Tương tự như vậy, Antichrist là con của sự hư mất sẽ do Sa-tan chiếm hữu và điều khiển hoàn toàn. Số phận cuối cùng của Antichrist là sẽ đi đến … chỗ hư mất (Khải Huyền 17:11). CON CỦA SỰ HƯ MẤT sẽ phải đi đến CHỖ HƯ MẤT.

3/ Kẻ nghịch cùng Luật Pháp (The lawless one):

“Bấy giờ kẻ nghịch cùng luật pháp kia sẽ hiện ra.” (II Tê-sa-lô-ni-ca 2;8)

“Nghịch cùng Luật Pháp” hay “vô Luật Pháp” (lawless) có nghĩa gì? Chắc chắn “luật pháp” ở đây không chỉ về bất cứ hệ thống luật pháp nào của loài người trên trần gian, nhưng chỉ về “Lời của Đức Chúa Trời”, là khuôn vàng thước ngọc, là mẫu mực, là lẽ thật, là luật pháp được vững lập đời đời trên trời (Thi Thiên 119:89).

Mọi hoạt động của Antichrist nhằm mục đích chống nghịch với Lời Chúa, cố gắng làm cho vô hiệu những gì Chúa truyền phán trong Kinh Thánh. Chúa Jesus nói về ma quỷ như sau: “Vừa lúc ban đầu nó (Sa-tan) đã là kẻ giết người, chẳng bền giữ được lẽ thật, vì không có lẽ thật trong nó đâu.” (Giăng 8:44). Bản chất của Antichrist là KHÔNG CÓ LẼ THẬT, tức là kẻ KHÔNG LUẬT PHÁP.

4/ Vua (King):

“Vua sẽ làm theo ý muốn mình” (Đa-ni-ên 11:36)

“Đến kỳ sau rốt của nước chúng nó, khi số những kẻ bội nghịch đã đầy, thì sẽ dấy lên một vua …” (Đa-ni-ên
8:23)

“Vua” (king) chỉ ra “sự cai trị”, vua được lập nên để cai trị người dân (Phục Truyền Luật Lệ Ký 17:14). Antichrist sẽ nắm giữ thẩm quyền cao nhất trong hệ thống cai trị thế giới.

5/ Cái sừng nhỏ (little horn):

“Ta suy xét những sừng đó, và, nầy, có một cái sừng nhỏ khác ở giữa những sừng ấy mọc lên, và ba cái
trong những sừng trước bị nhổ đi trước mặt nó.” (Đa-ni-ên 7:8)

“Sừng” (horn) có nhiều ý nghĩa tùy theo văn mạch Kinh Thánh, “sừng” thường làm hình bóng về sức mạnh (strength); hay quyền lực (power); hay sự oai nghiêm (majesty) (Phục Truyền Luật Lệ Ký 33:17; Thi Thiên 75:10; 89:17; Xa-cha-ri 1:21; Giê-rê-mi 48:25).

“Sừng” theo ý nghĩa tiên tri (prophecy) về ngày sau cùng, làm hình bóng về một vị vua (king): “Vả, mười cái sừng mà ngươi đã thấy, là mười vị vua.” (Khải Huyền 17:12)

“Cái sừng nhỏ” (little horn) không có nghĩa là cái sừng nầy yếu kém so với những sừng khác, nhưng “cái sừng nhỏ” chỉ về cái sừng sẽ xuất hiện sau cùng so với mười cái sừng khác xuất hiện trước nó. Câu Kinh Thánh đi trước Đa-ni-ên 7:8 là Đa-ni-ên 7:7 chứng minh điều nầy, câu nầy mô tả một con thú có mười sừng, rồi sau đó, có một sừng nhỏ xuất hiện lên sau cùng trong nhóm mười sừng: “Sau ta lại nhìn xem trong sự hiện thấy ban đêm, nầy, một con thú thứ tư, dữ tợn, rất mạnh và có sức lắm. Con thú đó có những răng lớn bằng sắt; nó nuốt ăn và nghiền nát, dùng chân giày đạp vật gì còn lại, nó khác với các con thú đã đến trước, và có mười sừng.”

Đa-ni-ên 7:20 cho biết dù cái sừng đó nhỏ nhưng không hề yếu kém chút nào, nhưng nó sẽ nhanh chóng trở nên mạnh mẽ: “ … hình dạng nó mạnh hơn những sừng khác”.

Như vậy, “cái sừng nhỏ” không chỉ về sự nhỏ bé, yếu kém, nhưng chỉ về nguồn gốc của Antichrist: Antichrist sẽ ra từ một khối quốc gia gồm 10 vua (tất nhiên, 10 vua cũng hàm ý có 10 nước mà các vua đó cai trị), vì cái sừng nhỏ mọc lên sau cùng trên con thú có mười sừng, mười sừng làm hình bóng về 10 vua của 10 nước cùng chung một khối.

Ngoài ra, chúng ta nhận thấy con thú có 10 sừng là con thú thứ tư trong khải tượng về bốn con thú mà Đa-ni-ên thấy (Đa-ni-ên chương 7). Bốn con thú làm hình bóng về bốn đế quốc đã cai trị thế giới. Khải tượng về bốn con thú tương xứng với pho tượng mà Nê-bu-cát-nết-sa thấy trong chiêm bao (Đa-ni-ên chương 2). Bảng tóm tắt sau đây cho thấy sự tương quan lẫn nhau giữa khải tượng “bốn con thú” và “pho tượng”:

Bốn con thú Pho tượng

(Đa-ni-ên chương 7) (Đa-ni-ên chương 2)

Con thú thứ nhất Đế quốc Ba-by-lôn Đầu bằng vàng

Con thú thứ hai Đế quốc Mê-đô Ba Tư Ngực, cánh tay bằng bạc

Con thú thứ ba Đế quốc Hy-lạp Bụng, bắp vế bằng đồng

Con thú thứ tư Đế quốc La-mã Hai chân bằng sắt

Con thú thứ tư Đế quốc La-mã Bàn chân

Có 10 sừng sẽ hồi sinh có 10 ngón

Chúng ta đã biết ngày hôm nay đế quốc La-mã không còn nữa, nhưng Đế quốc La-mã sẽ hồi sinh trong thời kỳ bảy năm đại nạn (Khải Huyền chương 13 và 17) dưới hình thức một khối thống nhất gồm 10 quốc gia được cai trị bởi 10 vị lãnh tụ (con thú có 10 sừng và bàn chân có 10 ngón làm hình bóng). Antichrist sẽ ra từ 10 nước nầy.

Xin lưu ý: Sách Đa-ni-ên đề cập đến hai “cái sừng nhỏ” (little horn) khác nhau, hàm ý về hai nhân vật khác nhau:

a) Đa-ni-ên 7:8: “Ta suy xét những sừng đó, và, nầy, có một cái sừng nhỏ khác ở giữa những sừng ấy mọc lên, và ba cái trong những sừng trước bị nhổ đi trước mặt nó.”

Cái sừng nhỏ ở câu trên đây làm hình bóng về Antichrist trong ngày sau cùng (đã dẫn giải bên trên), cái sừng nầy phát xuất từ con thú có 10 sừng.

b) Đa-ni-ên 8:8,9: “Con dê đực làm mình nên lớn lắm; nhưng khi nó đã mạnh, thì cái sừng lớn của nó gãy đi, và ở chỗ đó, có bốn cái sừng mọc rõ ra hướng về bốn gió trên trời. Bởi một trong các sừng, có mọc ra một cái sừng nhỏ, lớn lên rất mạnh, về phương nam, phương đông, lại hướng về đất vinh hiển.”

Cái sừng nhỏ trong câu trên khác với cái sừng nhỏ ở Đa-ni-ên 7:8, vì cái sừng nầy phát xuất từ con dê đực có một sừng, sau đó sừng nầy bị gãy để nhường chổ cho bốn sừng khác mọc lên, kế đến có một cái sừng nhỏ mọc lên (Đa-ni-ên 8:5-9). Đây là lời tiên đã được ứng nghiệm hoàn toàn, xin tóm lược như sau:

+ Con dê đực: Chỉ về đế quốc Hy-lạp (Đa-ni-ên 8:21).

+ Cái sừng của con dê đực: Chỉ về A-lịch-sơn Đại Đế (Alexander the great) (356 BC -323 BC) thống trị thế giới (Đa-ni-ên 8:21).

+ Con dê đực làm mình nên lớn lắm; nhưng khi nó đã mạnh, thì cái sừng lớn của nó gãy đi: A-lịch-sơn là vị vua rất
kiêu căng, ngạo mạn. Ông chết sớm lúc 33 tuổi do say rượu.

+ Bốn cái sừng khác mọc lên thay cho cái sừng trước bị gãy: Sau khi A-lịch-sơn chết, đế quốc được phân chia cho
4 vị thủ lãnh cai trị: Cassander, Lysimachus, Seleucus và Ptolemy. Điều đáng chú ý là cả bốn vị nầy đều không
phải là con của A-lịch-sơn, đúng như lời tiên tri trong Đa-ni-ên 11:4 “Khi vua ấy đã dấy lên, thì nước người bị xé
và chia ra theo bốn gió của trời, nhưng không truyền lại cho con cháu, cũng không như quyền đã dùng mà cai trị trước nữa; vì nước người sẽ bị nhổ và phó cho người khác ngoài những người đó.”

+ Cái sừng nhỏ: Lịch sử đã nhận diện “cái sừng nhỏ” không ai khác hơn Antiochus IV Epiphanes (215 BC – 164 BC). Đây là vị vua rất tàn ác. Ông ta đã thực hiện hai công việc đáng chú ý hơn hết đối với người Do Thái: 1/ Cố sức tiêu diệt dân Do Thái. 2/ Làm ô uế đền thờ Giê-ru-sa-lem của người Do Thái. Chính vì lý do đó mà Kinh Thánh dùng hình ảnh “cái sừng nhỏ” chỉ về Antiochus IV Epiphanes. Nhiều nhà nghiên cứu Kinh Thánh đồng ý Antiochus IV Epiphanes là tiền thân (forerunner) của Antichrist trong ngày sau cùng. Vì hai lý do sau:

1. Đều được Kinh Thánh gọi là “cái sừng nhỏ”.

2. Những gì mà Antiochus IV Epiphanes đã làm: 1/ Thù ghét và sát hại dân Do Thái; 2/ Xúc phạm đến Danh Chúa
và nơi thánh của đền thờ (Đa-ni-ên 8:9-12), cũng là những điều mà Antichrist sẽ làm trong thời kỳ sau cùng.

6/ Vị lãnh tụ (The Prince):

“Có dân của vị lãnh tụ (prince) hầu đến sẽ hủy phá thành và nơi thánh.” (Đa-ni-ên 9:26)

Bản Kinh Thánh 1926 dịch là “có dân của vị vua hầu đến sẽ …” thì không chính xác vì “the prince” (נָגִ֤יד, nā·ḡîḏ) không có nghĩa là “vua” nhưng chỉ về một nhân vật có địa vị và thế lực, có khả năng trong vai trò lãnh đạo.

“Vị lãnh tụ” (The prince) cho thấy khả năng lãnh đạo ưu tú, xuất sắc, có một không hai của Antichrist. Chính tài năng của Antichrist sẽ khiến gần cả thế giới ngưỡng mộ và tôn sùng (Khải Huyền 13:4,8).

7/ Con thú (The Beast):

“Đoạn, tôi thấy ở dưới biển lên một con thú có mười sừng bảy đầu.” (Khải Huyền 13:1)

“Con thú” (the beast) làm hình bóng về vương quốc cùng với thể chế cai trị (Đa-ni-ên 7:2-7). Trong ngày sau cùng vương quốc của Antichrist bao gồm cả thế giới chống nghịch lại Chúa, Antichrist sẽ lãnh đạo một hệ thống cai trị toàn cầu. [Chúng ta sẽ tìm hiểu chi tiết hơn khi nghiên cứu Khải Huyền chương 13]

Đa-ni-ên 7:11 cho thấy con thú sẽ bị giết, xác sẽ bị thiêu đốt trong lửa: “Vậy ta nhìn xem cho đến chừng con thú bị giết, xác nó bị hủy diệt và bị phó cho lửa để đốt.”. Lời tiên tri nầy sẽ được ứng nghiệm trong ngày sau cùng, Antichrist sẽ bị quăng vào hồ lửa đời đời (Khải Huyền 19:20)

8/ Lê-vi-a-than (Leviathan):

“Trong ngày đó, Đức Giê-hô-va sẽ dùng gươm cứng, lớn, và mạnh mà phạt lê-vi-a-than, là con rắn lẹ làng,
phạt lê-vi-a-than là con rắn cong queo; và Ngài sẽ giết con vật lớn dưới biển.” (Ê-sai 27:1)

Đọc trọn chương 27 của sách Ê-sai sẽ dễ dàng thấy chương nầy trình bày bức tranh về ngày sau cùng, và phải công nhận “Lê-vi-a-than, con rắn lẹ làng, con rắn cong queo” làm hình bóng về Antichrist. Hình ảnh “con rắn” chỉ ra sự mưu mô, xảo quyệt của Antichrist, và cũng cho thấy Antichrist là hiện thân của Sa-tan.

“Đức Giê-hô-va sẽ dùng gươm cứng, lớn, và mạnh mà phạt lê-vi-a-than”. Hình ảnh Chúa Giê-hô-va dùng GƯƠM mà đánh phạt lê-vi-a-than cho thấy trong ngày sau cùng, trong cuộc chiến giữa đạo quân của Antichrist với dân Do Thái (trận chiến Armageddon) Chúa Jesus sẽ tái lâm trên đất và đánh thắng Antichrist và đạo binh của nó (Khải Huyền 19:19). Cuối cùng, Antichrist sẽ bị ném vào hồ lửa, sẽ phải chịu khổ cả ngày lẫn đêm cho đến đời đời (Khải Huyền 20:10).

3. Lúc nào Antichrist xuất hiện?

Trong lịch sử nhân loại, đã từng xuất hiện một số nhân vật nổi tiếng và bị một số người (hay một nhóm cộng đồng tôn giáo) kể là Antichrist. Những người nổi tiếng nầy được biết đến không phải vì phẩm chất đạo đức của họ, cũng không phải vì sự cống hiến của họ cho nhân loại, nhưng nổi tiếng bởi sự mưu mô, xảo quyệt, tàn ác, hay đơn giản là một người giả hình nhưng giữ chức vụ cao nhất trong một hệ thống cai trị (mặt nhân từ mà ruột hiểm sâu!) v.v… tùy theo từng cá thể. Chúng ta có thể kể: Tần Thủy Hoàng, Adolf Hitler, Nero, Tamerlane, Herod (giết các con trẻ thành bết-lê-hem) v.v… Ngày nay, một nguyên thủ của một quốc gia hay một vị lãnh đạo của một hệ thống tôn giáo nào đó cũng có thể bị gán cho danh hiệu Antichrist! Nếu nghiên cứu cẩn thận lời tiên tri trong Kinh Thánh về thời điểm xuất hiện Antichrist, chúng ta có thể kết luận những sự gán ghép nêu trên là vội vàng và không có nền tảng Thánh Kinh, đó chỉ là sự suy diễn theo tâm trí con người.

Căn cứ vào lời tiên tri 70 tuần lễ của Đa-ni-ên:

Đa-niên 9:24-27 là phân đoạn Kinh Thánh chỉ rõ Antichrist sẽ xuất hiện vào đầu của tuần lễ thứ bảy mươi, tức là Antichrist chỉ xuất hiện chính thức trong thời kỳ bảy năm đại nạn.

“Người (Antichrist) sẽ lập giao ước vững bền với nhiều người trong một tuần lễ, và đến giữa tuần ấy, người
sẽ khiến của lễ và của lễ chay dứt đi.”

Theo lời tiên tri về 70 tuần lễ, 69 tuần lễ của Đa-ni-ên đã hoàn tất và được đóng lại, tuần lễ thứ bảy mươi sẽ bắt đầu khi Antichrist lập giao ước với dân Do Thái và khối các nước theo Hồi Giáo. Hôm nay, tuần lễ thứ bảy mươi chưa đến! Như vậy, những lời đồn đoán và gán ghép người nầy, người nọ là Antichrist là hoàn toàn không chính xác.

Căn cứ vào Khải Huyền:

Khải Huyền chương 6 trình bày Chiên Con mở bốn ấn đầu tiên của cuộn sách bảy ấn: có 4 con ngựa màu sắc khác nhau cùng với người cỡi ngựa xuất hiện đầu tiên. Người cỡi ngựa là Antichrist. Cuộn sách bảy ấn mô tả những biến cố xãy ra trong bảy năm đại nạn. Vậy, Antichrist chỉ xuất hiện vào khởi đầu của bảy năm đại nạn.

Khải Huyền chương 13:1-8 trình bày con thú từ dưới biển đi lên, được Sa-tan (con rồng) ban cho “sức mạnh, ngôi, quyền phép” để hành động. Sự kiện nầy chỉ có thể xãy ra trong bảy năm đại nạn. Như vậy, Antichrist chỉ sẽ xuất hiện sau khi Hội Thánh được đem ra khỏi thế gian.

[Chúng ta sẽ tìm hiểu chi tiết hơn khi khi nghiên cứu sách Khải Huyền]

4. Chúng ta có thể dự đoán ai sẽ là Antichrist trước khi nó chính thức ra mặt?

Một số người có thể nêu lên thắc mắc sau đây: Chúng ta tin rằng Antichrist sẽ chính thức xuất hiện sau khi Chúa Jesus cất Hội Thánh ra khỏi thế gian và lúc khởi đầu bảy năm đại nạn. Tuy nhiên, người ta có thể nào căn cứ vào nhân cách hay phẩm chất của một người nào đó trên thế giới ngày nay để đoán rằng người đó sẽ là Antichrist trước khi chính thức xuất hiện? Vì II Tê-sa-lô-ni-ca 2:6-8 cho biết: “Hiện nay anh em biết rõ điều làm ngăn trở nó, hầu cho nó (Antichrist) chỉ hiện ra đúng kỳ nó thôi. Vì đã có sự mầu nhiệm của điều bội nghịch đang hành động rồi; song Đấng còn ngăn trở cần phải cất đi. Bấy giờ kẻ nghịch cùng luật pháp kia (Antichrist) sẽ hiện ra.”

Chúng ta nên nhớ rằng Phao-lô viết thư II Tê-sa-lô-ni-ca vào khoảng năm 50 AD, lúc ấy, ông đã nói “sự mầu nhiệm của điều bội nghịch đang hành động rồi”, từ ngày đó đến hôm nay (2016 AD) đã trải qua biết bao nhiêu thế hệ rồi, mà Chúa Jesus chưa đến tiếp rước Hội thánh và Antichrist cũng chưa xuất hiện. Như vậy, “sự mầu nhiệm của điều bội nghịch đang hành động rồi” không phải ám chỉ về một con người nào đó đang trong giai đoạn âm thầm chuẩn bị để rồi sẽ xuất hiện công khai trước thế giới. Nhưng “sự mầu nhiệm của điều bội nghịch đang hành động rồi” hàm ý về mục đích và kế hoạch của Sa-tan. Sa-tan luôn âm mưu chờ thời cơ thuận tiện sẽ ra tay hành động. Sa-tan chỉ có thể được tự do tung hoành trong bảy năm đại nạn mà thôi, đó là thời điểm Chúa cho phép Sa-tan hành động qua Antichrist. Tóm lại, chúng ta không thể dựa vào câu Kinh Thánh “sự mầu nhiệm của điều bội nghịch đang hành động rồi” để nói “tiên tri” về một nhân vật nào đó hiện nay sẽ là Antichrist trong tương lai.

Tháng 7, 2016

tamtran1561@yahoo.com

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *