Báp-têm bằng Đức Thánh Linh

Báp-têm bằng Đức Thánh Linh

Trần Đình Tâm

 

1. Người đã tin nhận Chúa có cần nhận Báp-têm bằng Đức Thánh Linh không?

Thế nào là “Báp-têm bằng Đức Thánh Linh”? Các Cơ-đốc nhân thuộc hệ phái Ngũ Tuần tin rằng con cái Chúa, là những người đã được tái sanh, có thể nhận được Báp-têm bằng Đức Thánh Linh để kinh nghiệm được một đời sống đầy phước hạnh, tràn nhập niềm vui, mạnh mẽ trong đời sống cầu nguyện và phục vụ Chúa. Các Cơ-đốc nhân thuộc hệ phái Ngũ Tuần cho rằng sở dĩ các con cái Chúa ngày nay có nếp sống thuộc linh yếu ớt, tẻ nhạt, không có quyền năng trong sự cầu nguyện hay trong công tác phục vụ Chúa là do không được hay chưa được Báp-têm bằng Đức Thánh Linh. Một khi nhận được Báp-têm bằng Đức Thánh Linh, người tín hữu sẽ được đầy dẫy Đức Thánh Linh, họ sẽ sống và hầu việc Chúa cách đầy quyền năng và đem lại kết quả lớn lao cho Chúa.

Theo quan điểm trên, một người đã tiếp nhận Chúa Jesus, đã nhận Đức Thánh Linh để được tái sanh và đã được cứu, nhưng người tín hữu đó có thể chưa được Báp-têm bằng Đức Thánh Linh. Như vậy, Báp-têm bằng Đức Thánh Linh là một kinh nghiệm thứ hai theo sau sự kiện người đó tin Chúa Jesus và được tái sanh.

Hệ phái Ngũ Tuần xác nhận niềm tin trên qua các lập luận sau:

1. Các môn đồ theo Chúa Jesus đương nhiên là những người đã được cứu, đã được tái sanh. Có thể họ nhận được tái sanh lúc họ tin Chúa và đi theo Ngài trong suốt thời gian Chúa còn ở trên đất. Sau khi Chúa Jesus sống lại, Chúa đã hiện ra với họ trong phòng đóng kín cửa và phán rằng: “Ngài lại phán cùng môn đồ rằng: Bình an cho các ngươi! Cha đã sai ta thể nào, ta cũng sai các ngươi thể ấy. Khi Ngài phán điều đó rồi, thì hà hơi trên môn đồ mà rằng: Hãy nhận lãnh Đức Thánh Linh.” (Giăng 20:21,22). Tín hữu của hệ phái Ngũ Tuần dựa vào câu Kinh Thánh ấy để kết luận rằng các môn đồ đã được “nhận” Đức Thánh Linh nhưng chưa được “báp-têm” bằng Đức Thánh Linh.

2. Sau đó, Chúa Jesus căn dặn các môn đồ đừng ra khỏi thành Giê-ru-sa-lem, nhưng cứ ở lại để được nhận lãnh điều Đức Chúa Cha đã hứa: “Lúc ở với các sứ đồ, Ngài dặn rằng đừng ra khỏi thành Giê-ru-sa-lem, nhưng phải ở đó chờ điều Cha đã hứa, là điều các ngươi đã nghe ta nói.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 1:4). Điều Cha hứa chính là Báp-têm bằng Đức Thánh Linh: “nhưng trong ít ngày, các ngươi sẽ chịu phép báp-tem bằng Đức Thánh Linh.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 1:5). Và Chúa phán dạy: “Nhưng khi Đức Thánh Linh giáng trên các ngươi, thì các ngươi sẽ nhận lấy quyền phép, và làm chứng về ta tại thành Giê-ru-sa-lem, cả xứ Giu-đê, xứ Sa-ma-ri, cho đến cùng trái đất.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 1:8). Các môn đồ đã vâng lời mà ở lại trong thành Giê-ru-sa-lem và chờ đợi.

3. Đến ngày Lễ Ngũ Tuần, các môn đồ nhóm lại và nhận được Báp-têm bằng Đức Thánh Linh: “Đến ngày lễ Ngũ Tuần, môn đồ nhóm họp tại một chỗ. Thình lình, có tiếng từ trời đến như tiếng gió thổi ào ào, đầy khắp nhà môn đồ ngồi. Các môn đồ thấy lưỡi rời rạc từng cái một, như lưỡi bằng lửa hiện ra, đậu trên mỗi người trong bọn mình. Hết thảy đều được đầy dẫy Đức Thánh Linh, khởi sự nói các thứ tiếng khác, theo như Đức Thánh Linh cho mình nói.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 2:1-4). Các môn đồ theo Chúa Jesus, đã được tái sanh, bây giờ họ được Báp-têm bằng Đức Thánh Linh, họ trải nghiệm kinh nghiệm mới mẻ nầy qua việc nói ngôn nhữ khác.

4. Hệ phái Ngũ tuần dạy rằng: Tất cả con cái Chúa ngày nay, có thể cầu xin để được Báp-têm bằng Đức Thánh Linh, giống như các môn đồ đã từng kinh nghiệm trong ngày Lễ Ngũ Tuần. Khi được Báp-têm bằng Đức Thánh Linh, con cái Chúa sẽ nhận được quyền năng để hầu việc Chúa cách mạnh mẽ. Và, theo sự giảng dạy của hầu hết các vị lãnh đạo của hệ phái Ngũ Tuần, dấu hiệu một người được Báp-têm bằng Đức Thánh Linh luôn luôn đi kèm theo ân tứ nói tiếng lạ, đó là khuôn mẫu của ngày Lễ Ngũ Tuần mà các môn đồ đã kinh nghiệm.

2. Báp-têm bằng Đức Thánh Linh là gì? (Baptism in the Holy Spirit):

Để hiểu đúng ý nghĩa đích thực của Báp-têm bằng Đức Thánh Linh, chúng ta cần tìm hiểu tất cả những câu Kinh Thánh nói về Báp-têm bằng Đức Thánh Linh, đặt câu đó trong ngữ cảnh, đối chiếu các câu đó với nhau, kết nối với các câu Kinh Thánh khác có liên quan và tìm hiểu cách mà phép Báp-têm đó được áp dụng và thể hiện trên người tín đồ.

Trong toàn bộ Tân Ước, tổng cộng chỉ có 7 câu đề cập đến “Báp-têm bằng Đức Thánh Linh”: Ma-thi-ơ 3:11; Mác 1:8; Lu-ca 3:16; Giăng 1:33; Công Vụ Các Sứ Đồ 1:5; Công Vụ Các Sứ Đồ 11:16 và I Cô-rinh-tô 12:13. Bảy câu Kinh Thánh nầy đều sẽ được nêu lên và giải thích trong bài học nầy. Trong số 7 câu ấy, có 4 câu giống nhau, vì cùng một câu chuyện nhưng được ký thuật trong 4 sách Phúc Âm, 4 câu đó như sau:

“Về phần ta, ta lấy nước mà làm phép báp-tem cho các ngươi ăn năn; song Đấng đến sau ta có quyền phép hơn ta, ta không đáng xách giày Ngài. Ấy là Đấng sẽ làm phép báp-tem cho các ngươi bằng Đức Thánh Linh và bằng lửa.”  (Ma-thi-ơ 3:11)

“Ta làm phép báp-tem cho các ngươi bằng nước; nhưng Ngài sẽ làm phép báp-tem cho các ngươi bằng Đức Thánh Linh.” (Mác 1:8)

“Phần ta làm phép báp-tem cho các ngươi bằng nước; song có một Đấng quyền phép hơn ta sẽ đến, ta không đáng mở dây giày Ngài. Chính Ngài sẽ làm phép báp-tem cho các ngươi bằng Đức Thánh Linh và bằng lửa.” (Lu-ca 3:16)

“Về phần ta, ta vốn không biết Ngài; nhưng Đấng sai ta làm phép báp-tem bằng nước có phán cùng ta rằng: Đấng mà ngươi sẽ thấy Thánh Linh ngự xuống đậu lên trên, ấy là Đấng làm phép báp-tem bằng Đức Thánh Linh.” (Giăng 1:33)

Bốn câu trên là lời tuyên bố của Giăng Báp-tít với người dân thành Giê-ru-sa-lem và người dân sống gần sông Giô-đanh, họ đến với ông tại sông Giô-đanh để nhận phép Báp-têm. Giăng Báp-tít là sứ giả của Đức Chúa Trời, ông được sai đến để làm phép Báp-têm về sự ăn năn cho dân chúng. Mục đích phép Báp-têm của Giăng là kêu gọi người ta ăn năn tội, chuẩn bị lòng để tiếp nhận Chúa Jesus để được cứu rỗi. Công tác của Giăng là người dọn đường cho Chúa Jesus. Ông tuyên bố rằng Đấng đến sau ông, là Chúa Jesus, chính Ngài sẽ làm phép Báp-têm bằng Đức Thánh Linh.

Vào thời điểm nào các môn đồ thời Chúa Jesus nhận Báp-têm bằng Đức Thánh Linh?

Kể từ khi Giăng Báp-tít tuyên bố lời trên, trong suốt thời gian Chúa Jesus thi hành chức vụ trên đất cho đến khi Chúa chết trên thập tự giá, chúng ta không thấy lời tuyên bố của Giăng được ứng nghiệm. Tuy nhiên, sau khi Chúa Jesus sống lại, và trước khi Ngài về trời, Chúa Jesus tuyên bố với các sứ đồ rằng chẳng bao lâu nữa, họ sẽ nhận Báp-têm bằng Đức Thánh Linh:

“Lúc ở với các sứ đồ, Ngài dặn rằng đừng ra khỏi thành Giê-ru-sa-lem, nhưng phải ở đó chờ điều Cha đã hứa, là điều các ngươi đã nghe ta nói. Vì Giăng đã làm phép báp-tem bằng nước, nhưng trong ít ngày nữa, các ngươi sẽ chịu phép báp-tem bằng Đức Thánh Linh.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 1:5)

Chúng ta đã biết lời tuyên bố trên của Chúa Jesus đã được ứng nghiệm trong ngày Lễ Ngũ Tuần. Các Sứ Đồ và môn đồ được Báp-têm bằng Đức Thánh Linh: “Đến ngày lễ Ngũ Tuần, môn đồ nhóm họp tại một chỗ. Thình lình, có tiếng từ trời đến như tiếng gió thổi ào ào, đầy khắp nhà môn đồ ngồi. Các môn đồ thấy lưỡi rời rạc từng cái một, như lưỡi bằng lửa hiện ra, đậu trên mỗi người trong bọn mình. Hết thảy đều được đầy dẫy Đức Thánh Linh, khởi sự nói các thứ tiếng khác (tiếng ngoại quốc), theo như Đức Thánh Linh cho mình nói.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 2:1-4).

Sự kiện xãy đến cho các môn đồ trong ngày Lễ Ngũ Tuần được xem là phép báp-têm bằng Đức Thánh Linh.

Vậy, Báp-têm bằng Đức Thánh Linh có nghĩa gì?

Chúng ta hãy xem lời giải thích của sứ đồ Phi-e-rơ về hiện tượng “báp-têm bằng Đức Thánh Linh”, và lời hứa của Chúa Jesus về Đức Thánh Linh trước khi Ngài chịu chết như thế nào. Chúng ta phải học xem chính Kinh Thánh, là Lời Đức Chúa Trời giải thích Báp-têm bằng Đức Thánh Linh có nghĩa gì, chứ không nên tin hoàn toàn vào cách giải thích của các vị lãnh đạo hệ phái Ngũ Tuần.

Lời giải thích của Phi-e-rơ:

Trong ngày Lễ Ngũ Tuần, có nhiều người mộ đạo từ các vùng lân cận đến thành Giê-ru-sa-lem để dự lễ theo luật pháp Môi-se quy định, những người nầy đến từ 15 vùng khác nhau (Chương 2:9-11 liệt kê 15 địa danh khác nhau), họ nói tiếng bản xứ. Khi Đức Thánh Linh giáng xuống, các môn đồ được Chúa ban cho khả năng nói được ngoại ngữ của 15 vùng trên, họ rất ngạc nhiên và tập trung lại để xem, lúc nầy Phi-e-rơ đứng lên giảng về Chúa Jesus, và ông giải thích hiện tượng các môn đồ được đầy dẫy Thánh Linh như sau: “Đức Chúa Jêsus nầy, Đức Chúa Trời đã khiến sống lại, và chúng ta thảy đều làm chứng về sự đó. Vậy, sau khi Ngài đã được đem lên bên hữu Đức Chúa Trời, và từ nơi Cha đã nhận lấy Đức Thánh Linh mà Cha đã hứa ban cho, thì Ngài đổ Đức Thánh Linh ra, như các ngươi đang thấy và nghe.” (câu 32,33)

Lời hứa của Chúa Jesus:

Chúng ta hãy nhớ lại, trước khi Chúa Jesus bị bắt và chịu chết, Chúa dành nhiều thì giờ để dạy dỗ các sứ đồ. Đặc biệt, Ngài phán dạy về sự kiện Đức Thánh Linh sẽ được ban xuống: “Ta lại sẽ nài xin Cha, Ngài sẽ ban cho các ngươi một Đấng Yên ủi khác, để ở với các ngươi đời đời, tức là Thần lẽ thật, mà thế gian không thể nhận lãnh được.” (Giăng 14:16); “Nhưng Đấng Yên ủi, tức là Đức Thánh Linh mà Cha sẽ nhân danh ta sai xuống, Đấng ấy sẽ dạy dỗ các ngươi mọi sự, nhắc lại cho các ngươi nhớ mọi điều ta đã phán cùng các ngươi.” (Giăng 14:26); “Khi nào Đấng Yên ủi sẽ đến, là Đấng ta sẽ bởi Cha sai xuống, tức là Thần lẽ thật ra từ Cha, ấy chính Ngài sẽ làm chứng về ta.” (Giăng 15:26)

Căn cứ vào lời giải thích của Phi-e-rơ nêu trên, và cũng căn cứ vào hứa của chúa Jesus về sự kiện Đức Thánh Linh sẽ được ban xuống nêu trên, chúng ta đi đến một kết luận quan trọng sau: BÁP-TÊM BẰNG ĐỨC THÁNH LINH CHÍNH LÀ NHẬN LÃNH ĐỨC THÁNH LINH: Vào lúc một người nhận “Báp-têm” bằng Đức Thánh Linh ấy là lúc người đó nhận được Đức Thánh Linh vào lòng. Vào thời điểm Đức Thánh Linh ban xuống và ngự vào (dwell) người nào, đó là thời điểm mà Kinh Thánh gọi là “Báp-têm bằng Đức Thánh Linh” vậy.

Báp-têm” bằng Đức Thánh Linh là cách gọi đặc biệt của sự kiện được “nhận lãnh” Đức Thánh Linh. Đối với các môn đồ, sự nhận lãnh Đức Thánh Linh trong ngày Lễ Ngũ Tuần là một kinh nghiệm mới mẻ mà trước đó họ chưa từng kinh nghiệm.

Hơn nữa, sự kiện Đức Thánh Linh được ban xuống cách đầy dẫy trong mỗi môn đồ còn đánh dấu một bước ngoặc lịch sử quan trọng: sự thành lập Hội Thánh, hay có thể nói cách khác, là sự mở đầu cho thời đại của Đức Thánh Linh, công việc của Đức Thánh Linh được thực thực hiện qua những người tiếp nhận Ngài.

3. Lúc nào một người thời nay được Báp-têm bằng Đức Thánh Linh?

Chúng ta đã đồng ý rằng các môn đồ và các sứ đồ sống trong thời Chúa Jesus đã được Báp-têm bằng Đức Thánh Linh trong ngày Lễ Ngũ Tuần, đó chính là lần đầu tiên họ kinh nghiệm được điều kỳ diệu ấy trong cuộc đời của họ. Nhưng sau ngày Lễ Ngũ Tuần, lúc nào hoăc với điều kiện nào thì một người được Báp-têm bằng Đức Thánh Linh? Giải đáp cho câu hỏi nầy cũng tương tự như giải đáp cho câu hỏi: Lúc nào hoặc với điều kiện nào thì một người được nhận lãnh Đức Thánh Linh?

Chúng ta có lời giải đáp trong thư Ga-la-ti: “Tôi chỉ hỏi anh em một câu nầy: Ấy là cậy các việc luật pháp hay là bởi nghe  tin (hearing of faith) mà anh em đã nhận (receive) được Đức Thánh Linh?” (Ga-la-ti 3:2); “Đấng ban Đức Thánh Linh cho anh em và làm các phép lạ trong anh em, thì làm bởi các việc luật pháp, hay là bởi đã nghe mà tin (hearing of faith)?” (Ga-la-ti 3:5), và “phước lành ban cho Áp-ra-ham nhờ Đức Chúa Jêsus Christ mà được rải khắp trên dân ngoại, lại hầu cho chúng ta cậy đức tin mà nhận lãnh Đức Thánh Linh đã hứa cho.” (Ga-la-ti 3:14). Bất cứ người nào nghe Tin Lành cứu rỗi của Chúa Jeus và tin, sẽ được nhận lãnh Đức Thánh Linh. Trong Phúc Âm Giăng chương 3, Chúa Jesus cho biết một người phải được tái sanh (born again) mới được vào nước Đức Chúa Trời, mà sự tái sanh là công việc của Đức Thánh Linh: “Hễ chi sanh bởi xác thịt là xác thịt; hễ chi sanh bởi Thánh Linh là linh.” (Giăng 3:6). Như vậy, ngay vào thời điểm một tội nhân ăn năn tội và  tin nhận Chúa Jesus, người ấy sẽ được Báp-têm bằng Đức Thánh Linh, tức là được nhận lãnh Đức Thánh Linh, Đức Thánh Linh sẽ tái sanh người đó bởi quyền năng của Ngài để người ấy trở nên con người mới: “Vậy, nếu ai ở trong Đấng Christ, thì nấy là người dựng nên mới; những sự cũ đã qua đi, nầy mọi sự đều trở nên mới.” (II Cô-rinh-tô 5:17)

Câu chuyện gia đình Cọt-nây là người ngoại bang, được nhận lãnh Đức Thánh Linh khi đang nghe Phi-e-rơ giảng Tin Lành, đây là một bằng chứng cho thấy Báp-têm bằng Đức Thánh Linh chính là sự nhận lãnh Đức Thánh Linh lần đầu tiên của bất cứ ai tin nhận Chúa Jesus: “Khi Phi-e-rơ đang nói, thì Đức Thánh Linh giáng trên mọi người nghe đạo.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 10:44). Sau nầy, Phi-e-rơ làm chứng lại sự kiện ấy cho những người Do Thái tại Giê-ru-sa-lem như sau: “Ta mới khởi sự nói, thì có Đức Thánh Linh giáng trên họ, cũng như ban đầu Ngài đã giáng trên chúng ta. Ta bèn nhớ lại lời Chúa đã truyền rằng: Giăng đã làm phép báp-tem bằng nước; nhưng các ngươi sẽ chịu phép báp-tem bằng Đức Thánh Linh. Vậy, nếu Đức Chúa Trời đã ban cho họ cũng một ơn như cho chúng ta, là kẻ đã tin đến Đức Chúa Jêsus Christ, thì ta là ai, mà ngăn trở Đức Chúa Trời được?” (Công Vụ Các Sứ Đồ 11:15-17). Chúng ta thấy rõ, Cọt-nây không hề nhận lãnh Đức Thánh Linh cho đến khi ông nghe và tiếp nhận Tin Lành, Phi-e-rơ khẳng định rõ: gia đình Cọt-nây được “Báp-têm bằng Đức Thánh Linh” ngay vào thời điểm họ tin nhận Chúa.

Như vậy, “Báp-têm” bằng Đức Thánh Linh không phải là kinh nghiệm thứ hai cho những ai trước đó đã nhận Đức Thánh Linh rồi (lúc tin Chúa), nhưng là sự nhận lãnh Đức Thánh Linh lần đầu tiên và duy nhất ở người tin nhận Chúa Jesus.

4. Ý nghĩa của Báp-têm bằng Đức Thánh Linh.

I Cô-rinh-tô 12:13 là câu Kinh Thánh rất quan trọng, là câu chìa khóa giúp chúng ta hiểu ý nghĩa thực sự của Báp-têm bằng Đức Thánh Linh:

“Vì chúng ta dù là người Giu-đa hay người Gờ-réc, tôi mọi hay tự chủ, đều đã chịu Báp- têm chung một Thánh Linh để HIỆP LÀM MỘT THÂN; và chúng ta đều đã chịu uống chung một Thánh Linh nữa.” (I Cô-rinh-tô 12:13)

Ý nghĩa thật rõ ràng: Tất cả mọi người trên thế giới, không phân biệt màu da, chủng tộc, địa vị trong xã hội v.v… ngay vào thời điểm tin nhận Chúa Jesus, sẽ được Báp-têm bằng Đức Thánh Linh để HIỆP LÀM MỘT THÂN (into one body). “Thân” hay “thân thể” (body) chính là thân thể của Chúa Jesus: “Anh em là thân của Đấng Christ” (I Cô-rinh-tô 12:27); tức là HỘI THÁNH vậy: Hội Thánh là thân thể của Ngài (Chúa Jesus)” (Ê-phê-sô 6:23)

“Báp-têm bằng Đức Thánh Linh” là việc mầu nhiệm khiến cho tất cả mọi tội nhân hiệp nên một thân thể, là Hội Thánh. Điều nầy chứng minh rằng Báp-têm bằng Đức Thánh Linh xãy ra lần đầu tiên cho một người tin nhận Chúa Jesus, chứ không phải là một kinh nghiệm thứ hai cho những người đã tin Chúa rồi.

I Cô-rinh-tô 12:13 nêu trên còn bày tỏ một lẽ thật: Chúng ta, là những người đã tin Chúa, ĐàĐƯỢC Báp-têm bằng Đức Thánh Linh (we all baptized, xin chú ý: động từ “báp-têm” ở thì quá khứ), điều đó đã được hoàn tất, đã thực hiện xong trong quá khứ, ngay vào lúc tiếp nhận Chúa.

Một người được Báp-têm bằng Đức Thánh Linh để được tái sanh, trở nên con cái Đức Chúa Trời, để trở nên một thành viên tronh thân thể của Chúa Jesus, chứ không phải Báp-têm bằng Đức Thánh Linh để được nói (hay cầu nguyện) bằng tiếng lạ.

5. Đối đáp với tín lý của hệ phái Ngũ Tuần:

1. Hệ phái Ngũ Tuần cho rằng các môn đồ đã được nhận lãnh Đức Thánh Linh trước Ngày Lễ Ngũ Tuần, nhưng chưa được Báp-têm bằng Đức Thánh Linh, họ nêu bằng chứng trong Giăng 20:22, Chúa Jesus phán với họ: “Hãy nhận lãnh Đức Thánh Linh”. Sự kiện nầy xãy ra trước ngày Lễ Ngũ Tuần.

+ Cần đặt lời phán của Chúa Jesus trong ngữ cảnh: Sau khi Chúa Jesus sống lại, Ngài hiện ra với các sứ đồ và phán: “Ngài lại phán cùng môn đồ rằng: Bình an cho các ngươi! Cha đã sai ta thể nào, ta cũng sai các ngươi thể ấy. Khi Ngài phán điều đó rồi, thì hà hơi trên môn đồ mà rằng: Hãy nhận lãnh Đức Thánh Linh. Kẻ nào mà các ngươi tha tội cho, thì tội sẽ được tha; còn kẻ nào các ngươi cầm tội lại, thì sẽ bị cầm cho kẻ đó.” (Giăng 20:21-23). Chúa Jesus cho biết Đức Chúa Cha sai Ngài đến thế gian để hoàn thành chương trình của Cha thể nào thì Ngài cũng sai phái các sứ đồ giống như vậy, họ sẽ nhận lãnh Đức Thánh Linh để thi hành công tác của Ngài giao phó, nên sau đó Chúa Jesus hà hơi trên họ và nói “Hãy nhận lãnh Đức Thánh Linh”, chúng ta hiểu ngay sự “nhận lãnh Đức Thánh Linh” đã được ứng nghiệm trong ngày Lễ ngũ Tuần, đúng như Ngài đã phán trước “Nhưng khi Đức Thánh Linh giáng trên các ngươi, thì các ngươi sẽ nhận lấy quyền phép, và làm chứng về ta tại thành Giê-ru-sa-lem, cả xứ Giu-đê, xứ Sa-ma-ri, cho đến cùng trái đất.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 1:8). Như vậy, khi Chúa Jesus hà hơi và phán “hãy nhận lãnh Đức Thánh Linh” thì Ngài ám chỉ trong ít Ngài nữa, sau khi Ngài về trời, vào ngày Lễ Ngũ Tuần, họ sẽ nhận lãnh Đức Thánh Linh.

Nếu các môn đồ đã nhận được Đức Thánh Linh và đã được tái sanh trong khi Chúa Jesus còn hiện diện trên đất (trước Lễ Ngũ Tuần), thì mâu thuẫn với lời hứa ban Đức Thánh Linh Trong Giăng 14:16; 15:26. Nếu họ đã được nhận lãnh Đức Thánh Linh thì sao Chúa lại hứa ban Đức Thánh Linh cho họ? Chúng đọc trong Giăng 16:7: “Dầu vậy, ta nói thật cùng các ngươi: Ta đi là ích lợi cho các ngươi; vì nếu ta (Chúa Jesus) không đi, Đấng Yên ủi (Đức Thánh Linh) sẽ không đến cùng các ngươi đâu; song nếu ta đi, thì ta sẽ sai Ngài đến.” Câu kinh Thánh nầy chứng tỏ rằng Đức Thánh Linh chỉ có thể được ban xuống sau khi Chúa Jesus về trời. Khi Chúa Jesus phán với họ: “hãy nhận lãnh Đức Thánh Linh” thì Ngài vẫn còn ở trước mặt họ.

Một bằng chứng khác: Trong Giăng 7:37-39, Chúa Jesus cho biết chỉ khi nào Ngài được vinh hiển, tức là sau khi Ngài được cất lên trời và ngồi bên hữu Đức Chúa Trời, thì sau đó Đức Thánh Linh mới được ban xuống: “Ngày sau cùng, là ngày trọng thể trong kỳ lễ, Đức Chúa Jêsus ở đó, đứng kêu lên rằng: Nếu người nào khát, hãy đến cùng ta mà uống. Kẻ nào tin ta thì sông nước hằng sống sẽ chảy từ trong lòng mình, y như Kinh Thánh đã chép vậy. Ngài phán điều đó chỉ về Đức Thánh Linh mà người nào tin Ngài sẽ nhận lấy; bởi bấy giờ Đức Thánh Linh chưa ban xuống, vì Đức Chúa Jêsus chưa được vinh hiển.”

+ Các tín hữu hệ phái Ngũ Tuần không chú ý đến một yếu tố quan trọng sau: Có sự khác biệt giữa các môn đồ sống trong thời Chúa Jesus và những người tin Chúa ngày nay: Các môn đồ là những người đã từng đi theo Chúa Jesus, chứng kiến Chúa sống lại và lên trời, rồi  sau đó họ được Báp-têm bằng Đức Thánh Linh đúng theo lời Chúa hứa. Họ là những người sống trong sự chuyển tiếp của hai thời kỳ: Thời kỳ Cựu Ước và Thời kỳ Hội Thánh mà thời điểm chuyển tiếp là sự kiện môn đồ được Báp-têm bằng Đức Thánh Linh (trong ngày Lễ Ngũ Tuần). Những người tin Chúa sau Lễ Ngũ tuần cho đến ngày nay không sống trong cả hai giai đoạn ấy, họ không có cơ hội từng trải giai đoạn chuyển tiếp ấy như những môn đồ khi xưa. Đòi hỏi con cái Chúa ngày nay phải kinh nghiệm giống như kinh nghiệm của các môn đồ trong ngày Lễ Ngũ tuần khi xưa là điều vô lý. Vì lẽ đó, bất cứ ai ngày hôm nay, ngay vào thời điểm tin nhận Chúa Jesus, người đó được Báp-têm bằng Đức Thánh Linh (nhận lãnh Đức Thánh Linh) để trở nên một thành viên trong thân thể của Chúa Jesus, tức là Hội Thánh.

2. Căn cứ vào sự kiện các môn đồ nói các ngôn ngữ khác trong ngày Lễ Ngũ Tuần, các vị lãnh đạo hệ phái Ngũ Tuần giảng dạy rằng dấu hiệu của một người được Báp-têm bằng Đức Thánh Linh được thể hiện qua ân tứ nói tiếng lạ. Cách suy diễn nầy rất khó chấp nhận, vì các môn đồ trong ngày Lễ Ngũ Tuần nói các tiếng ngoại quốc (ngôn ngữ của 15 dân tộc vùng lân cận) là tiếng bản xứ nên người nghe hiểu được; chứ không phải tiếng lạ (tiếng thuộc linh) mà các tín đồ của hệ phái Ngũ Tuần đang ứng dụng, là loại ngôn ngữ mà không ai hiểu được.

6. Kết luận:

Chúng ta ghi nhận mục đích của biến cố Đức Thánh Linh giáng xuống (Báp-têm bằng Đức Thánh Linh) trên các môn đồ trong ngày Lễ Ngũ Tuần:

1. Hoàn thành lời tiên tri của Giăng Báp-tít và lời hứa của Chúa Jesus.

2. Mở ra một thời kỳ lịch sử trọng đại trong chương trình cứu rỗi của Đức Chúa Trời: Sự khai sanh Hội Thánh.

3. Hội Thánh được thành lập để tiếp tục công tác truyền bá Tin Lành cho thế giới.

4. Sau Lễ Ngũ Tuần, bất cứ ai tin nhận Chúa Jesus, đều được Báp-têm bằng Đức Thánh Linh để trở nên thành viên của Hội Thánh.

Chúng ta thấy rõ sự kiện Báp-têm bằng Đức Thánh Linh không phải nhằm mục đích “chữa trị” tình trạng thuộc linh yếu kém của các môn đồ khi xưa; do đó, những người đã tin Chúa ngày hôm nay, không có lý do gì để bắt chước theo khuôn mẫu của ngày Lễ Ngũ như sự giảng dạy của hệ phái Ngũ Tuần, là phải cầu xin cho được báp-têm bằng Đức Thánh Linh.

Những ai đã tin Chúa rồi thì không cần phải tìm kiếm hay cầu xin để được Báp-têm bằng Đức Thánh Linh. Hơn nữa, không có chổ nào trong Công Vụ Các Sứ Đồ (sau Lễ Ngũ Tuần) và trong tất cả các Thư Tín khuyên dạy con cái Chúa phải được “Báp-têm bằng Đức Thánh Linh”.

Sự giảng dạy rằng các tín hữu phải cầu nguyện xin Chúa Báp-têm bằng Đức Thánh Linh cho mình, là sự giảng dạy không có nền tảng Thánh Kinh.

Nan đề cần được giải quyết là: Tại sao đời sống của nhiều con cái Chúa trong Hội Thánh không làm gương tốt, tình trạng thuộc linh nguội lạnh, thiếu quyền năng trong sự hầu việc Chúa v.v…? Điều con cái Chúa cần, là cần được đầy dẫy Đức Thánh Linh: “Phải đầy dẫy Đức Thánh Linh” (Ê-phê-sô 5:18); cần bước đi theo sự dẫn dắt của Đức Thánh Linh: “Hãy bước đi theo Thánh Linh, chớ hề làm trọn những điều ưa muốn của xác thịt.” (Ga-la-ti 5:16); cần sống theo Đức Thánh Linh: “Những ai sống theo Thánh Linh thì chú tâm vào những việc thuộc Thánh Linh. Chú tâm vào xác thịt sanh ra sự chết, còn chú tâm vào Thánh Linh sanh ra sự sống và bình an.” (Rô-ma 8:5,6); cần có bông trái của Đức Thánh Linh trong đời sống  (Ga-la-ti 5:22), chứ không cần Báp-têm bằng Đức Thánh Linh (vì đã được thực hiện rồi). Chúng ta sẽ suy gẫm vấn đề “đầy dẫy Đức Thánh Linh” trong một bài học Kinh Thánh khác.

 

Tháng 2, 2014

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *