BIẾT CHÚA
Songdaoonline.com Mục sư Vũ Ngọc Văn Chữ Biết trong sách Tin lành và thư tín của sứ đồ Giăng [1] Có hai nhóm chữ đặc trưng về sứ đồ Giăng, một trong hai nhóm chữ ấy là do Đức Thánh Linh khiến ông công bố về mình và một là do Chúa Jesus ban cho ông. Ông đã công bố về mình trong Tin Lành Giăng là người môn đệ Chúa yêu. Vả, có một môn đồ dựa vào ngực Đức Chúa Jêsus, tức là người mà Ngài yêu, Giăng, 13:23, Tình yêu cũng là đặc điểm của sách Tin lành Giăng và các thư tín của Giăng. Một đặc tính khác mà Chúa Jesus đã nói về ông được ghi trong Mác 3:17 Gia-cơ con Xê-bê-đê, và Giăng em Gia-cơ, Ngài lại đặt tên hai người là Bô-a-nẹt, nghĩa là con trai của sấm sét. Một mặt ông là “yêu thương”, và mặt khác là “sấm sét “. Đặc tính này sau đó được thấy rõ: Lu 9:54 Gia-cơ và Giăng là môn đồ Ngài, thấy vậy, nói rằng: Thưa Chúa, Chúa có muốn chúng tôi khiến lửa từ trên trời xuống thiêu họ chăng? Ý nói là giết chúng nó! |
||||
Từ ngữ sấm sét là niềm đam mê mà người chăn này viết cho các con chiên. Ông yêu thương họ và ông cố gắng để bảo vệ họ và làm cho niềm vui của họ có thể được trọn vẹn. Khi nói về lòng yêu thương đối với anh em, ông viết: Hỡi kẻ rất yêu dấu, ấy chẳng phải là điều răn mới mà ta viết cho anh em, bèn là điều răn cũ. Ai yêu mến anh em mình, thì ở trong sự sáng, nơi người đó chẳng có điều chi gây cho vấp phạm. IGiăng 2:7-10.
Khi Chúa Jesus hỏi Phi-e-rơ trong Giăng 21, Ngài đã không hỏi: Con có yêu chiên không? Ngài hỏi: Hỡi Si-môn, con Giô-na, ngươi yêu ta hơn những kẻ nầy chăng? Trong Gi 21:15 (Chữ yêu tiếng Hy lạp là agapao); Trong Gi 21:16 Chữ yêu là agapao; nhưng trong Giăng 21:17 Chữ yêu lại là phileo) Hai lần đầu khi hỏi Chúa đã dùng chữ agapao với ý nghĩa là con có hết lòng, hết linh hồn, hết ý mà yêu mến ta không? Cả ba lần ông trả lời với chữ Phileo, nghĩa là con chỉ yêu Ngài bằng sức lực (giới hạn) của con. Câu thứ ba Chúa đã dùng chữ Phileo để hỏi: Con có yêu ta bằng hết sức lực của con không? Ông xác nhận! Chúa biết ông có thể yêu Ngài bằng sức lực của ông! Đây là điều Ngài cũng mong đợi nơi chúng ta. Nếu tôi thật sự yêu Ngài như Ngài đáng phải yêu, thì sau đó tôi có thể yêu thương người khác, yêu thương được những con chiên mà Ngài yêu. Đó là tất cả những gì mà Giăng muốn nói, nhưng làm thế nào để chăn những chiên con ta, chăn chiên ta, và chăn chiên ta. Chữ chăn ở đây bao gồm việc cho chiên ăn uống, hướng dẫn và bảo vệ. Phi-e-rơ đã làm theo Chúa, ông nuôi chiên con bằng Lời của Chúa, hướng dẫn chiên trưởng thành với Lời của Chúa, và bảo vệ chiên cũng bằng Lời của Chúa. Khi viết cho những người cha, người lớn tuổi, những người trưởng thành, Giăng viết: Hỡi các phụ lão, tôi viết cho các ông, vì các ông đã biết Đấng có từ lúc ban đầu, IGi 2:13. Các ông đã biết Đấng ấy, nguyên nghĩa văn phạm là đã biết và vẫn đang biết. Động từ được dùng ở thì Perfect, diễn tả một việc xảy ra trong quá khứ mà kết quả vẫn còn trong hiện tại (đã và đang). Sau đó, ông sử dụng chữ thắng trong IGi 2:12, Hỡi kẻ trẻ tuổi, ta viết cho các ngươi, vì các ngươi đã thắng được ma quỉ. Động từ cũng được dùng ở thì Perfect (đã và đang). Câu 14 nhắc lại và làm rõ hơn là họ thắng được nhờ lời Đức Chúa Trời: Hỡi kẻ trẻ tuổi, ta đã viết cho các ngươi, vì các ngươi là mạnh mẽ, lời Đức Chúa Trời ở trong các ngươi, và các ngươi đã thắng được ma quỉ. Người tin Chúa cần biết điều gì? IGi 2:26 Ta đã viết cho các con những điều nầy, chỉ về những kẻ lừa dối các con. Động từ lừa dối được viết theo thể hiện tại tiếp diễn, nghĩa là đang lừa dối, không phải họ đã lừa một lần rồi bỏ đi nhưng đang thường xuyên tìm cách dối lừa! Dẫn dắt làm xa cách lẽ thật của Tin lành! Họ đã bị mất sự vui mừng, nên: Chúng tôi viết những điều đó cho anh em, hầu cho sự vui mừng của chúng tôi được đầy dẫy, IGi 1:4 Trí Huệ Giáo (γνωστικός gnostikos: có kiến thức, hiểu biết) là một trong những mối đe dọa chính đối với Phúc âm vào thời của sứ đồ Giăng, từ ngữ này xuất phát từ tiếng Hy Lạp, có nghĩa là kiến thức. Người theo Trí Huệ Giáo cho biết người ta được cứu bởi kiến thức, chứ không phải vì những gì Chúa Jesus đã làm trên thập tự giá, vì đó chỉ là ý tưởng thần thoại. Người theo Trí Huệ Giáo tin rằng tất cả xác thịt (con người) là xấu, ác. Vì thế, Thiên Chúa sẽ không bao giờ cư ngụ trong cơ thể con người và Chúa Jesus không thực sự là Con Thiên Chúa. Cerenthus nói Chúa Jesus là con trai sinh ra tự nhiên của Giô-sép và vào ngày chịu phép Báp-têm của ông, Chúa Cứu thế (Christ) trên trời đến, ngự vào Ngài và sống trong Ngài cho đến ngay lúc trước khi Ngài bị đóng đinh thì rời khỏi Ngài. Do đó, Chúa Jesus khi Ngài chết trên thập tự giá chỉ là chết như một con người bình thường. Có hai hình thức Trí Huệ Giáo trong bối cảnh Thơ Giăng Thứ Nhất (1) Trí Huệ Giáo Docetic, từ chối nhân tính của Chúa Giê-su, vì họ cho vật chất là xấu xa. (2) Trí Huệ Giáo Cerinthian cho rằng linh của Đấng Christ nhập vô phàm nhân Jesus ở thời điểm Ngài chịu phép Báp-tem, và rời khỏi người trước khi chết trên thập tự giá. Trong hai nhóm này, một số người thực hành chủ nghĩa ép xác (asceticism: thuyết khổ hạnh) cho rằng: Cơ thể ham muốn gì, thì điều đó là xấu xa phải từ chối (hành xác)! Một số người khác thì theo chủ nghĩa antinomianism (người theo thuyết này phần lớn là không tin Cựu ước và luật pháp Môi-se) nhấn mạnh con người được cứu là do ân điển, và tội lỗi do xác thịt gây ra không ảnh hưởng gì đến phần thuộc linh, nghĩa là: Cơ thể muốn hay thích gì thì cứ cho nó điều ấy (tha hồ phạm tội!) Chữ “biết” được dùng ít nhất trong 25 câu khác nhau trong thư IGiăng. Gần như ông đang nói với các người theo Trí Huệ Giáo: Quí vị nghĩ rằng mình đang biết điều gì đó? Hãy để tôi nói với các tín hữu thân yêu của tôi, nếu các bạn muốn hiểu biết, hãy nhớ Chúa Jesus là Chúa cứu thế đang sống trong bạn và đó là kiến thức (hiểu biết) bạn cần phải có. Thánh Linh của Đức Chúa Trời ở trong các bạn, và Ngài ban cho bạn năng lực nhận thức, để phân biệt trong cuộc sống của bạn. Đó là một loại tri thức được sử dụng trong 10 câu trong sách IGiăng. Tri thức ấy có được khi vâng phục Chúa cứu thế Jesus. Bạn không biết được điều ấy cho đến khi bạn thuận phục. Bạn sẽ nhận biết được nó khi thực hành sự thuận phục Lời Ngài. Tôi yêu thích câu nói của Phao-lô trong thư Philíp: Phi 4:11 vì tôi đã tập hễ gặp cảnh ngộ nào, cũng thỏa lòng ở vậy. Chữ tập ở đây là học được, là điều mà bạn học được bằng cách từng trải kinh nghiệm với Chúa Cứu Thế Jesus. Đó là loại kiến thức được sử dụng trong 15 câu khác nhau trong cuốn sách IGiăng. Vì vậy, các tín hữu phải biết một cách trực giác (Intuitively) hoặc theo kinh nghiệm (experientially) Tôi biết mẹ tôi yêu tôi, làm sao tôi biết điều ấy? Khó có thể giải thích được nhưng tôi biết! Trước tiên, người tín hữu sẽ biết qua trực giác. Đó là điều mà Chúa ban cho bạn và cho tôi, là những khả năng nhận thức và phân biệt mà chúng ta không cần phải học ở bất cứ nơi nào khác? Bạn có thể có được cứu và có kiến thức này. Đó là điều Giăng viết, IGi 2:20: Về phần các con, đã chịu xức dầu từ nơi Đấng thánh, thì đã biết mọi sự rồi. Chữ biết ở đây là eido, có nghĩa là nhận biết mọi sự! Chúa Jesus qua Đức Thánh Linh đã đến và sống trong bạn (khi mình tin nhận Ngài) và cho bạn một nhận thức, khả năng để phân biệt mà bạn đã không có trước đó. IGi 3:5-6 cho thấy: Chúng ta biết Đức Chúa Jêsus Christ đã hiện ra để cất tội lỗi đi và biết trong Ngài không có tội lỗi. 6Ai ở trong Ngài thì không phạm tội; còn ai phạm tội, thì chẳng từng thấy Ngài và chẳng từng biết Ngài. Tà thuyết Trí Huệ Giáo mà chúng ta đang đối phó ở đây, là nhóm của sự trụy lạc, nhóm này nói: Này, bạn cứ sống thoải mái trong tội lỗi, vì bạn không thể đánh bại nó, hãy sống vui với nó. Lời Chúa nói: Ai ở trong Ngài thì không phạm tội; còn ai phạm tội, thì chẳng từng thấy Ngài và chẳng từng biết Ngài. Chúa Jesus đã đến để cất đi tội lỗi và các tín hữu không nên bao giờ cho phép tội lỗi trở thành thực tế trong cuộc sống của mình. Trước khi bạn trở thành tín nhân, không có ai sống trong bạn để kết tội bạn về bất cứ điều gì. Bạn có một ý thức đạo đức phát triển bởi xã hội và bạn biết đúng sai nhưng bạn không biết nguyên nhân sâu xa về thiện và ác. Khi biết Chúa, bạn trở thành một tín đồ, bạn biết rằng đó là vì tội lỗi của cuộc sống mình mà Chúa Jesus đã đến để chết thay. Do vậy bạn không còn theo đuổi đời sống tội lỗi nữa. IGiăng 3:14, 15. Chúng ta biết rằng [eido] mình đã vượt khỏi sự chết qua sự sống, vì chúng ta yêu anh em mình. Còn ai chẳng yêu thì ở trong sự chết. 15Ai ghét anh em mình, là kẻ giết người; anh em biết (eido) rằng chẳng một kẻ nào giết người có sự sống đời đời ở trong mình. IGi 5:13 Ta đã viết những điều nầy cho các con, hầu cho các con biết [eido] mình có sự sống đời đời, là kẻ nào tin đến danh Con Đức Chúa Trời. Chữ tin được dùng là thì hiện tại, không phải là kinh nghiệm trong quá khứ. Tin là tin Chúa Jeus và biết mình có sự sống đời đời! IGi5:15 Nếu chúng ta biết không cứ mình xin điều gì, Ngài cũng nghe chúng ta, thì chúng ta biết mình đã nhận lãnh điều mình xin Ngài. Nếu chúng ta đang vâng lời Ngài, chúng ta có thể biết điều này. Đó là kiến thức (biết) qua kinh nghiệm. Chữ biết đó là ginosko. Phao-lô nói trong Phi-líp 3:10 tôi được biết Ngài, và quyền phép sự sống lại của Ngài. Đó là kinh nghiệm. Ông đã biết Ngài một cách mật thiết là Đấng Cứu rỗi và là Chúa của mình, và ông muốn trải nghiệm với Ngài từng ngày trong đời sống của mình. A. E. Brooke: Theo Giăng, sự hiểu biết (tri thức) thật sự về Đức Chúa Trời chỉ có thể có được bằng sự vâng lời đối với Lời Ngài. C. H. Dodd nói rằng: Biết Đức Chúa Trời là kinh nghiệm sự yêu thương của Ngài trong Chúa Cứu Thế, và đền đáp tình yêu ấy bằng sự vâng phục. Trong thế giới Hy Lạp, Giăng phải đối diện với những người nói là “Tôi biết Chúa” mà không ý thức gì về bất cứ nhiệm vụ đạo đức nào, với những người có một kinh nghiệm cảm xúc và có thể nói “Tôi ở trong Chúa và Chúa ở trong tôi” nhưng vẫn không hề biết gì đến những điều răn, mạng lịnh của Ngài. Đường lối duy nhất chúng ta có thể bày tỏ rằng mình biết Chúa là vâng lời Ngài, để tỏ rằng mình được liên hiệp trong Chúa Cứu Thế là bắt chước Ngài. Cơ Đốc giáo cống hiến cho chúng ta đặc quyền lớn nhất, nhưng cũng cặp theo một bổn phận lớn lao không kém. Trong Cơ Đốc giáo, những cố gắng tri thức và kinh nghiệm cảm xúc không hề bị xao lãng, nhưng nó cần phải được kết hiệp để bày tỏ ra trong hành vi đạo đức. MỤC SƯ VŨ NGỌC VĂN Tham khảo và chọn lọc |
Tags BIẾT CHÚA