Kinh Thánh chứa đầy những mệnh lệnh phải tạ ơn Chúa (Thi Thiên 106:1; 107:1; 118:1; 1 Sử Ký 16:34; 1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:18). Hầu hết các câu đều liệt kê những lý do tại sao chúng ta nên tạ ơn Ngài, chẳng hạn như “Sự nhân từ Ngài còn đến đời đời” (Thi Thiên 136:3), “Ngài là thiện” (Thi Thiên 118:29), và “Lòng thương xót Ngài hằng có đời đời” (Thi Thiên 100:5). Lòng biết ơn và sự ngợi khen luôn đi đôi với nhau. Chúng ta không thể ngợi khen và thờ phượng Chúa một cách đầy đủ nếu không biết ơn.
Cảm thấy và bày tỏ lòng biết ơn là điều tốt cho chúng ta. Giống như bất kỳ người cha khôn ngoan nào, Chúa muốn chúng ta học cách biết ơn về mọi món quà mà Ngài đã ban cho chúng ta (Gia-cơ 1:17). Chúng ta nên nhớ rằng mọi thứ chúng ta có đều là món quà từ Ngài. Nếu không biết ơn, chúng ta sẽ trở nên kiêu ngạo và ích kỷ. Chúng ta bắt đầu tin rằng mình đã tự mình đạt được mọi thứ. Lòng biết ơn giúp tấm lòng chúng ta có mối quan hệ đúng đắn với Đấng ban tặng mọi ân tứ tốt lành.
Việc biết ơn cũng nhắc nhở chúng ta về những gì chúng ta có. Con người dễ có lòng tham. Chúng ta có xu hướng tập trung vào những gì mình không có. Bằng cách liên tục biết ơn, chúng ta được nhắc nhở về những gì mình có. Khi chúng ta tập trung vào phước lành thay vì những gì mình muốn, chúng ta sẽ hạnh phúc hơn. Khi chúng ta bắt đầu cảm ơn Chúa về những điều mà chúng ta thường coi là hiển nhiên, quan điểm của chúng ta sẽ thay đổi. Chúng ta nhận ra rằng chúng ta thậm chí không thể tồn tại nếu không có những phước lành thương xót của Chúa như ánh sáng, nước uống, thực phẩm, sức khỏe…
1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:18 chép rằng: “Hãy tạ ơn trong mọi sự; vì ý muốn của Đức Chúa Trời đối với anh em trong Đấng Christ Jêsus là như vậy”. Chúng ta phải biết ơn không chỉ trong những tình huống dễ chịu mà còn trong những hoàn cảnh mà chúng ta không thích. Khi chúng ta có ý định cảm ơn Chúa bất kể điều gì xảy ra trong cuộc sống của mình, chúng ta sẽ tránh xa sự cay đắng. Chúng ta không thể vừa biết ơn vừa cay đắng cùng một lúc. Không phải là chúng ta biết ơn về bi kịch, nhưng chúng ta có thể biết ơn về bản chất của Chúa, ngay cả khi đang ở giữa những hoạn nạn. Ngài nâng đỡ chúng ta và ban cho chúng ta sức mạnh để chịu đựng (Gia-cơ 1:12; 2 Cô-rinh-tô 12:9). Chúng ta cảm tạ Ngài vì lời hứa của Ngài rằng “mọi sự hiệp lại làm ích cho những ai yêu mến Đức Chúa Trời, tức là cho những người được gọi theo ý muốn Ngài” (Rô-ma 8:28).
Chúng ta có thể có tấm lòng biết ơn đối với Đức Chúa Trời ngay cả khi chúng ta không cảm thấy biết ơn về hoàn cảnh. Chúng ta có thể đau buồn nhưng vẫn biết ơn. Chúng ta có thể tổn thương nhưng vẫn biết ơn. Chúng ta có thể tức giận với tội lỗi nhưng vẫn biết ơn Đức Chúa Trời. Đó là điều mà Kinh thánh gọi là “lễ tế bằng lời ngợi khen” (Hê-bơ-rơ 13:15). Việc tạ ơn Đức Chúa Trời giúp giữ cho tấm lòng chúng ta có mối quan hệ đúng đắn với Ngài và cứu chúng ta khỏi vô số cảm xúc và thái độ có hại sẽ cướp mất sự bình an mà Đức Chúa Trời muốn chúng ta trải nghiệm (Phi-líp 4:6–7).
Nguồn: gotquestions.org
admin