CHUYỆN…BAN PHƯỚC VÀ…CHÚC PHƯỚC
Kinh Thánh: Sáng Thế Ký 12: 2, 3; Dân số ký 6: 24-26; II Cô-rinh-tô 13: 13
Ban phước và chúc phước là hai điều khác nhau, tuy cả hai hành động đều cùng có chữ “phước”.
Ban phước là một hành động mà chỉ có Đức Chúa Trời mới có đủ thẩm quyền làm, vì Ngài là Đấng tối cao và là Đấng có mọi điều tốt lành ở trong mình, như Gia-cơ đã khẳng định: “Mọi ân điển tốt lành cùng sự ban cho trọn vẹn đều đến từ nơi cao và bởi Cha sáng láng mà xuống, trong Ngài chẳng có một sự thay đổi, cũng chẳng có bóng của sự biến cải nào.” (Gia-cơ 1, câu 17)
Chỉ có Đấng có mọi điều tốt lành và trọn vẹn mới có quyền ban phước hay giáng họa mà thôi. Ngoài Đức Chúa Trời ra, không ai có đủ thẩm quyền ban phước hay giáng họa cho ai cả.
Kinh Thánh có nhiều câu nói đến việc Đức Chúa Trời ban phước cho dân sự của Ngài.
Đức Chúa Trời đã phán với Áp-ram rằng:
“Ta sẽ làm cho ngươi nên một dân lớn; ta sẽ ban phước cho ngươi, cùng làm nổi danh ngươi, và ngươi sẽ thành một nguồn phước. Ta sẽ ban phước cho người nào chúc phước ngươi, rủa sả kẻ nào rủa sả ngươi; và các chi tộc nơi thế gian sẽ nhờ ngươi mà được phước.” (Sáng Thế Ký 12, câu 2, 3)
Trước khi Chúa Giê-su về trời, thì Ngài giơ tay lên mà ban phước cho các môn đồ:
“Kế đó, Ngài đem môn đồ đi đến nơi xung quanh làng Bê-tha-ni, giơ tay lên mà ban phước cho. Đang khi ban phước, Ngài lìa môn đồ mà được đem lên trời. Môn đồ thờ lạy Ngài rồi trở về thành Giê-ru-sa-lem, mừng rỡ lắm. Môn đồ cứ ở trong đền thờ luôn, ngợi khen Đức Chúa Trời” (Lu-ca 24, câu 50 đến 52)
Chúa là Đấng có quyền ban phước, chứ Chúa không chúc phước. Thế nhưng có không ít người không phân biệt được sự khác nhau giữa ban phước và chúc phước, nên thường hay nói “Xin Chúa chúc phước cho Hội Thánh của Ngài”.
Nói như thế là…không chuẩn, và là đang…hạ thấp Chúa xuống chứ không phải chơi!
Thi Sĩ Cơ-đốc nổi tiếng Tường Lưu đã từng có câu thơ rất chí lý rằng:
“Chúa ban phước, Chúa không hề chúc phước!”
Vâng, đúng vậy! Chúa ban phước, Chúa không hề chúc phước!
Đó là chuyện về…ban phước!
…
Còn đây là chuyện…chúc phước.
Chúc phước là một hành động của con người và do con người làm để mong muốn cho một ai đó được điều tốt lành, phước hạnh từ Đấng có quyền ban điều đó là Đức Chúa Trời.
Tại sao con người không thể…ban phước mà chỉ có thể…chúc phước?
Tại vì con người là tội nhân, nên làm sao có…phước để có thể ban cho ai đó được.
Vì con người không thể ban phước nên con người chỉ có thể làm được điều còn lại là…chúc phước.
Thời Cựu Ước, chính Đức Chúa Trời đã dạy cho Thầy Tế Lễ A-rôn cách chúc phước cho dân sự Ngài như sau: “Đức Giê-hô-va phán cùng Môi-se rằng: Hãy nói cùng A-rôn và các con trai người mà rằng: Các ngươi phải chúc phước cho dân Y-sơ-ra-ên như vầy: Cầu xin Đức Giê-hô-va ban phước cho ngươi và phù hộ ngươi! Cầu xin Đức Giê-hô-va chiếu sáng mặt Ngài trên ngươi, và làm ơn cho ngươi! Cầu xin Đức Giê-hô-va đoái xem ngươi và ban bình an cho ngươi!” (Dân Số Ký 6, câu 22 đến 26)
Trong lời chúc phước nầy chúng ta thấy rằng, sự ban phước đến từ Chúa, còn sự chúc phước đến từ con người. Chúa mới là Đấng ban phước, còn con người thì chỉ chúc phước mà thôi.
Cũng từ lời dạy về cách chúc phước nầy mà trong các buổi Lễ thờ phượng Đức Chúa Trời của các Hội Thánh, các Mục Sư thường dành thì giờ cuối buổi Lễ để có lời chúc phước cho dân sự.
Có những Mục Sư thì dùng nguyên văn lại phần chúc phước trong Sách Dân Số Ký đã nêu trên để chúc phước cho Hội Thánh:
“Cầu xin Đức Giê-hô-va ban phước cho ngươi và phù hộ ngươi! Cầu xin Đức Giê-hô-va chiếu sáng mặt Ngài trên ngươi, và làm ơn cho ngươi! Cầu xin Đức Giê-hô-va đoái xem ngươi và ban bình an cho ngươi!” (Dân Số Ký 6, câu 22 đến 26)
Cả Hội Thánh đáp “A men!”
Lời chúc phước trong sách Dân Số Ký vừa nêu có cụm từ “Cầu xin Đức Giê-hô-va” được lặp đi lặp lại ba lần cho chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời được bày tỏ trong Kinh Thánh và cũng là Đức Chúa Trời chúng ta đang thờ phượng là Đức Chúa Trời Ba Ngôi vậy.
Một số Mục Sư khác thì dựa theo ý từ những lời kết trong các thư tín của Phao-lô trong Tân Ước để chúc phước cho Hội Thánh, với một chút ít những lời thay đổi. Cụ thể như:
“Nguyền xin Đức Chúa Trời Ba Ngôi ban tình yêu thương nhiệm mầu của Đức Chúa Cha, ân điển diệu kỳ của Đức Chúa Con, và sự thông công mật thiết của Đức Thánh Linh ở cùng Hội Thánh từ nay cho đến ngày Chúa Giê-su Christ tái lâm.”
Hoặc: “Nguyền xin tình yêu thương diệu kỳ của Đức Chúa Cha, ân điển vô lượng vô biên của Đức Chúa Con, và sự cảm thông, an ủi đầy trọn của Đức Chúa Thánh Linh ở với quý ông bà anh chị em từ nay cho đến ngày Chúa Giê-su Christ trở lại.”
Hay: “Nguyền xin tình yêu, ân điển và sự cảm thông của Đức Cha, Đức Con và Đức Thánh Linh ở cùng Hội Thánh của Ngài từ nay cho đến ngày Chúa Giê-su tái lâm.”
Và một số lời chúc phước tương tự như thế nữa!
Sau lời chúc phước của Mục Sư thì cả Hội Thánh đều đáp “A men!”
Điều đáng chú ý trong những lời chúc phước đó là luôn luôn đề cập đến Danh Đức Chúa Trời Ba Ngôi khi chúc phước, vì Đức Chúa Trời Ba Ngôi chính là nguồn của mọi phước hạnh cho con người.
Đó là điều rất tốt và rất chuẩn!
…
Người viết bài nầy cũng đã từng nhiều lần chúc cho dân sự của Ngài với những lời tương tự như thế mỗi khi được mời chúc phước.
Nhưng sau một thời gian chúc phước như thế, người viết bài nầy cảm thấy như có điều gì đó…không ổn, vì nó…không đúng y như lời dạy trong Kinh Thánh, nên quyết định không chúc phước theo như cách cũ đó nữa; mà chọn cách chúc phước theo đúng như Kinh Thánh Tân Ước đã dạy là:
“Nguyền xin ơn của Đức Chúa Giê-su Christ, sự yêu thương của Đức Chúa Trời, và sự giao thông của Đức Thánh Linh ở với anh em hết thảy!” (II Cô-rinh-tô 13: 13)
Điều đáng chú ý trong lời chúc phước của Phao-lô ở trong câu Kinh Thánh nầy là ông muốn nhấn mạnh đến ân điển (ơn) của Đức Chúa Giê-su Christ trước, rồi đến tình yêu thương của Đức Chúa Trời và tiếp theo đó là sự giao thông của Đức Thánh Linh. Có lẽ ông muốn cho mọi người chú ý đến ân điển của Đức Chúa Giê-su Christ đã được ban cho con người chúng ta trong đời sau rốt nầy, vì con người đang sống trong thời Tân Ước, được gọi là thời kỳ ân điển chăng?
Nếu chúng ta xem kỹ lời kết của hầu hết các thư tín của Phao-lô trong Tân Ước, chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra điều nầy, ấy là ông luôn luôn dùng lời chúc “Nguyền xin ân điển của Đức Chúa Giê-su Christ…” như, “Nguyền xin ân điển của Đức Chúa Giê-su Christ, Chúa chúng ta, ở với anh em!” (Sách Tê-sa-lô-ni-ca thứ nhất 5, câu 8); hay: “Nguyền xin ân điển của Đức Chúa Giê-su Christ ở với tâm thần anh em!” (Sách Phi-lê-môn, câu 25). Vân vân, và vân vân…
Và trong lời chúc phước cuối cùng của Kinh Thánh ở sách Khải Huyền, Sứ Đồ Giăng cũng dùng lời chúc phước giống như Phao-lô là: “Nguyền xin ân điển của Đức Chúa Giê-su ở với mọi người!” (Sách Khải Huyền, chương 22, câu 21)
…
Thiết nghĩ lời chúc phước trong sách Cô-rinh-tô thứ nhì, đoạn 13, câu 13 nầy là khuôn mẫu tốt nhất để những người lãnh đạo Hội Thánh noi theo mà chúc phước cho Hội Thánh của Ngài vậy!
California, Tháng 4/ 2025!
Mục Sư Nguyễn – Đình – Liễu