CƠ-ĐỐC NHÂN CÓ CẦN BÁP-TÊM BẰNG ĐỨC THÁNH LINH?

CƠ-ĐỐC NHÂN CÓ CẦN BÁP-TÊM BẰNG ĐỨC THÁNH LINH?

Trần Đình Tâm

Các vị lãnh đạo Hệ Phái Ngũ Tuần truyền dạy cho các con dân Chúa cần được Báp-têm bằng Đức Thánh Linh, như là một sự trãi nghiệm lần thứ hai về Đức Thánh Linh. Giáo lý nầy có được đặt trên nền tảng Thánh Kinh hay không?

1. Đức Thánh Linh có được ban xuống trước Lễ Ngũ Tuần?

Đức Thánh Linh có được ban xuống trước Lễ Ngũ Tuần? Hay Đức Thánh Linh có được ban xuống trong thời kỳ Cựu Ước?

Kể từ Lễ Ngũ Tuần trở về trước, Kinh Thánh cho biết Đức Thánh Linh có được ban xuống. Chúng ta ghi nhận vài nhân vật được đầy dẫy Đức Thánh Linh như: Giăng Báp-tít (Lu-ca 1:15), Ê-li-sa-bét (Lu-ca 1:41), Xa-cha-ri (Lu-ca 1:67); xa hơn về trước có Ê-li-sê (II Các Vua 2:15), Ba-la-am (Dân Số Ký 24:2), Ghê-đê-ôn (Các Quan Xét 6:34), Giô-sép (Sáng Thế Ký 41:38) v.v… Tuy nhiên, cách Đức Thánh Linh hành động trong thời Cựu Ước khác với thời kỳ Tân Ước, chúng ta có thể phân biệt các điểm khác nhau căn bản như sau:

a) Ở TRÊN và Ở TRONG:

+ Trong thời kỳ Cựu Ước (trước Lễ Ngũ Tuần), vì chưa đến thời điểm Chúa Jesus xuống trần gian chịu chết cho nhân loại, nên Đức Thánh Linh thường được ban xuống BÊN TRÊN (come upon) một cá nhân nào đó:

“Sa-mu-ên lấy sừng dầu, xức cho người ở giữa các anh người. Từ ngày đó về sau, Thần của Đức Giê-hô-va cảm động (upon) Đa-vít.” (I Sa-mu-ên 16:13)

“Khi Sau-lơ đến Ghi-bê-a, có một đoàn tiên tri đến đón người. Thần của Đức Giê-hô-va cảm động (upon) người, người nói tiên tri giữa chúng.” (I Sa-mu-ên 10:10)

“Thần Đức Chúa Trời cảm động (upon) A-xa-ria, con trai của Ô-đết.” (II Sử Ký 15:1)

+ Trong thời kỳ sau Lễ Ngũ Tuần, Đức Thánh Linh được ban xuống và ngự BÊN TRONG (dwell) người tin nhận Chúa Jesus:

“ … tức là Thần Lẽ Thật, mà thế gian không thể nhận lãnh được, vì chẳng thấy và chẳng biết Ngài; nhưng các ngươi biết Ngài, vì Ngài sẽ ở với các ngươi và sẽ ở trong (dwell) các ngươi.” (Giăng 14:17)

“Anh em há chẳng biết mình là đền thờ của Đức Chúa Trời, và Thánh Linh Đức Chúa Trời ở trong (dwell) anh em sao?” (I Cô-rinh-tô 3:16)

b) TẠM THỜI và VĨNH VIỄN:

+ Trong thời Cựu Ước, Đức Thánh Linh đến giúp đỡ, vận hành trên một số cá nhân cách TẠM THỜI, trong khoảng một thời gian nào đó để họ thực hiện và hoàn tất công tác Đức Chúa Trời giao phó:

“Khi đến Lê-chi, dân Phi-li-tin ra đón người và la tiếng reo mừng. Song Thần của Đức Giê-hô-va cảm động Sam-sôn, những dây cột cánh tay người trở thành như chỉ gai bị lửa đốt, tàn rớt khỏi tay người.” (Các Quan Xét 15:14)

“Thần của Đức Giê-hô-va bèn cảm động Giép-thê; người trải qua Ga-la-át và Ma-na-se, sang đến Mích-ba ở Ga-la-át, rồi từ Mích-ba ở Ga-la-át, người đi đánh dân Am-môn.” (Các Quan Xét 11:29)

+ Trong thời đại Hội Thánh, Đức Thánh Linh cư trú VĨNH VIỄN trong người tin nhận Chúa Jesus:

“Ta lại sẽ nài xin Cha, Ngài sẽ ban cho các ngươi một Đấng Yên ủi khác, để ở với các ngươi đời đời.” (Giăng 14:16)

“Nầy, Ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế.” (Ma-thi-ơ 28:20) [Chúa Jesus có ý nói Ngài sẽ ở với chúng ta qua Đức Thánh Linh ở trong chúng ta.]

c) ĐƯỢC CHỌN LỰA CHO CÔNG TÁC ĐẶC BIỆT và TIN CHÚA JESUS:

+ Trong thời kỳ trước Lễ Ngũ Tuần, không phải tất cả mọi người (kể cả dân Do Thái, là dân tộc được Chúa tuyển chọn) đều được ban cho Đức Thánh Linh, nhưng Đức Chúa Trời CHỌN LỰA một số người nào đó theo ý muốn của Ngài, những người nầy nhận được Đức Thánh Linh để thi hành một công tác đặc biệt nào đó được Ngài chỉ định:

“Nầy, ta đã kêu tên Bết-sa-lê-ên, con trai của U-ri, cháu của Hu-rơ, trong chi phái Giu-đa. Ta đã làm cho người đầy dẫy Thần của Đức Chúa Trời, sự khôn ngoan, sự thông sáng, và sự hiểu biết để làm mọi thứ nghề thợ, đặng bày ra và chế tạo đồ vàng, bạc và đồng, đặng khắc và khảm ngọc, đẽo gỗ và làm được mọi thứ nghề thợ.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 31:2-5)

“Đoạn, ta sẽ ngự xuống, nói chuyện tại đó với ngươi; ta sẽ lấy Thần cảm ngươi mà ban cho những người đó, để họ chịu gánh nặng về dân sự với ngươi, và ngươi không phải gánh một mình.” (Dân Số Ký 11:17)

+ Trong thời Tân Ước, Đức Chúa Trời không “chọn lựa” một người đặc biệt cho một công tác đặc biệt nào, nhưng tất cả những ai TIN NHẬN CHÚA JESUS đều được nhận lãnh Đức Thánh Linh. Đức Thánh Linh ban ân tứ cho tất cả con cái Chúa để họ phục vụ Chúa và gây dựng Hội Thánh.

“Tôi chỉ hỏi anh em một câu nầy: Ấy là cậy các việc luật pháp hay là bởi nghe và tin mà anh em đã nhận được Đức Thánh Linh?” (Ga-la-ti 3:2)

“Ngài phán điều đó chỉ về Đức Thánh Linh mà người nào tin Ngài sẽ nhận lấy.” (Giăng 8:39)

Tóm lại, từ kỳ thời Cựu Ước cho đến Lễ Ngũ Tuần (Công Vụ Các Sứ Đồ chương 2), Đức Thánh Linh được ban xuống cách tạm thời trên những cá nhân được Đức Chúa Trời chọn lựa, và bởi quyền năng của Đức Thánh Linh, những nhân vật nầy thi hành và hoàn tất công tác Đức Chúa Trời giao phó. Sau ngày Lễ Ngũ Tuần, Đức Thánh Linh được ban xuống và cư trú vĩnh viễn bên trong tất cả mọi người tin nhận Chúa Jesus. Công việc của Đức Thánh Linh trong đời sống của con cái Chúa trong thời Tân Ước thì phong phú hơn nhiều so với thời Cựu Ước: Ngài cáo trách tội khiến chúng ta ăn năn, Ngài tái sanh chúng ta, Ngài ban ân tứ để phục vụ, Ngài giúp chúng ta hiểu Kinh Thánh, Ngài hướng dẫn chúng ta sống theo Lời Chúa v.v…

Đối đáp với Hệ phái Ngũ Tuần:

Hệ phái Ngũ Tuần căn cứ vào sự kiện Đức Thánh Linh có được ban cho trước Lễ Ngũ Tuần:

a) Đức Thánh Linh có được ban xuống và hành động trong môn đồ TRƯỚC ngày Lễ Ngũ Tuần.

b) TRONG ngày Lễ Ngũ tuần, các môn đồ được báp-têm bằng Đức Thánh Linh và được nói tiếng lạ.

Từ đó, các lãnh đạo của Hệ phái Ngũ Tuần giảng dạy: Con cái Chúa ngày nay có thể nhận báp-têm bằng Đức Thánh Linh như là một sự từng trãi thứ hai về Đức Thánh Linh, được thể hiện qua ân tứ nói tiếng lạ. Họ cho rằng con cái Chúa hôm nay có thể kinh nghiệm những gì mà các môn đồ khi xưa đã trãi nghiệm trong ngày Lễ Ngũ Tuần: Đó là được Báp-têm bằng Đức Thánh Linh và dấu hiệu kèm theo là nói hay cầu nguyện bằng tiếng lạ.

Rất khó có thể chấp nhận một giáo lý như thế, vì trong thời kỳ TRƯỚC Lễ Ngũ Tuần, những người được nhận Đức Thánh Linh không phải là những người đã tin Chúa Jesus [là đức tin đặt trên nền tảng sự chết và sống lại của Chúa Jesus, đơn giản là vì Chúa Jesus chưa chết và sống lại để họ biết, thấy mà tin]. Như vậy, chúng ta không thể dùng trường hợp một số người được ban cho Đức Thánh Linh trước Lễ Ngũ Tuần để đem áp dụng cho con cái Chúa trong Hội Thánh ngày nay, là những người đã đặt đức tin nơi sự chết và sự sống lại của Chúa Jesus.

2. Ý nghĩa của Lu-ca 11:13: Cầu xin được báp-têm bằng Đức Thánh Linh?

“Vậy nếu các ngươi là người xấu, còn biết cho con cái mình vật tốt thay, huống chi Cha các ngươi ở trên trời lại chẳng ban Đức Thánh Linh cho người xin Ngài!” (Lu-ca 11:13)

Con cái Chúa thuộc hệ phái Ngũ Tuần căn cứ vào câu Kinh Thánh trên, cho rằng tín đồ ngày nay, là người đã tin Chúa rồi, cần phải cầu xin Đức Chúa Cha ban Đức Thánh Linh cho mình; điều nầy được thể hiện qua kinh nghiệm nói tiếng lạ, và họ tin rằng đó là dấu hiệu hay bằng chứng cho thấy người ấy được báp-têm bằng Đức Thánh Linh (hay báp-têm trong Đức Thánh Linh).

Đối đáp với hệ Phái Ngũ Tuần:

Khi Chúa Jesus phán dạy câu trên, có phải Chúa thật sự muốn dạy chúng ta ngày nay cần cầu xin để được báp-têm trong Đức Thánh Linh? Nếu không cầu xin, sẽ không nhận được báp-têm trong Đức Thánh Linh?

Văn mạch của Lu-ca 11:13 nằm trong Lu-ca 11:1-13. Câu 1-4 dạy các môn đồ phải cầu nguyện như thế nào; câu 5-13 dạy về sự đáp ứng của Chúa đối với lời cầu xin của môn đồ. Chúa phán trong câu 11 và 12: “Trong các ngươi có ai làm cha, khi con mình xin bánh mà cho đá chăng? Hay là xin cá, mà cho rắn thay vì cá chăng? Hay là xin trứng, mà cho bò cạp chăng?”, rồi Chúa kết luận trong câu 13: “Vậy nếu các ngươi là người xấu, còn biết cho con cái mình vật tốt thay, huống chi Cha các ngươi ở trên trời lại chẳng ban Đức Thánh Linh cho người xin Ngài!”. Chúa Jesus dùng ví dụ người con xin cha mình những thứ cần thiết, và người cha cho con những điều cần thiết. Chúa Jesus cho biết bản chất của con người vốn là xấu (do hậu quả của tội lỗi) mà còn biết dành cho con của mình những điều tốt, huống chi Đức Chúa Trời, là Đấng giàu lòng yêu thương lại không ban cho con cái Ngài điều tốt nhất hay sao?  Chúa Jesus liên kết “điều tốt nhất” với “Đức Thánh Linh”, Đức Thánh Linh là điều tốt nhất mà Đức Chúa Cha sẽ ban cho các môn đồ. Như vậy, ý nghĩa thật sự của Lu-ca 11:13 là Đức Thánh Linh là điều tốt nhất mà các môn đồ cần và họ sẽ nhận được trong ngày Lễ Ngũ Tuần. Chúa Jesus ngụ ý nói “điều tốt nhất” sẽ xãy ra trong ngày Lễ Ngũ Tuần, chứ không phải ngay lúc ấy, vì Đức Thánh Linh chỉ được ban xuống sau khi Chúa Jesus được vinh hiển, tức là sau khi Ngài trở về trời. Chúa Jesus phán: “Nếu người nào khát, hãy đến cùng ta mà uống. Kẻ nào tin ta thì sông nước hằng sống sẽ chảy từ trong lòng mình, y như Kinh Thánh đã chép vậy. Ngài phán điều đó chỉ về Đức Thánh Linh mà người nào tin Ngài sẽ nhận lấy; bởi bấy giờ Đức Thánh Linh chưa ban xuống, vì Đức Chúa Jêsus chưa được vinh hiển (Giăng 7:37-39)

Dễ thấy rằng khi Chúa Jesus phán “bấy giờ Đức Thánh Linh chưa được ban xuống”, Ngài ám chỉ về thời điểm Đức Thánh Linh sẽ được ban xuống trong ngày Lễ Ngũ Tuần (mở ra thời kỳ Ân điển), như thế không có gì mâu thuẫn với sự kiện Đức Thánh Linh đã được ban xuống thuộc thời kỳ Cựu Ước.

Chân lý mà Chúa Jesus bày tỏ bên trên rất rõ ràng cho thời đại hôm nay, là thời đại mà Chúa Jesus đã hoàn tất sự chuộc tội trên thập giá, Ngài đã về trời, đã ngự bên hữu Đức Chúa Trời, đã được vinh hiển: Bất cứ ai tin nhận Ngài sẽ nhận được sông nước hằng sống, tức là được nhận lãnh Đức Thánh Linh, cũng được gọi là Báp-têm bằng Đức Thánh Linh vậy (Công Vụ Các Sứ Đồ 1:5).

Ngày nay, những người đã tin Chúa rồi, có cần phải cầu nguyện, khẩn xin để được báp-têm bằng Đức Thánh Linh không? Câu trả lời là KHÔNG, vì không có một một câu Kinh Thánh nào trong Tân Ước, dạy rằng một người đã tin nhận Chúa Jesus (đã nhận lãnh Đức Thánh Linh rồi) phải cầu xin để được báp-têm bằng Đức Thánh Linh.

3. Ý nghĩa của Công Vụ Các Sứ Đồ 8:14-17: Báp-têm bằng Đức Thánh Linh cho những người đã tin Chúa từ trước?

Các vị lãnh đạo Hệ phái Ngũ Tuần sử dụng phân đoạn Kinh Thánh Công Vụ Các Sứ Đồ 8:14-17 để truyền dạy giáo lý về Báp-têm trong Đức Thánh Linh cho những người đã tin Chúa rồi:

“Các sứ đồ vẫn ở tại thành Giê-ru-sa-lem, nghe tin xứ Sa-ma-ri đã nhận lấy đạo Đức Chúa Trời, bèn sai Phi-e-rơ và Giăng đến đó. Hai người tới nơi, cầu nguyện cho các môn đồ mới, để cho được nhận lấy Đức Thánh Linh. Vì Đức Thánh Linh chưa giáng xuống trên một ai trong bọn đó; họ chỉ nhân danh Đức Chúa Jêsus mà chịu phép báp-tem thôi. Phi-e-rơ và Giăng bèn đặt tay trên các môn đồ, thì đều được nhận lấy Đức Thánh Linh.”

Theo sự suy luận của Hệ phái Ngũ Tuần, tín đồ Sa-ma-ri là những người đã tin Chúa Jesus, đã nhận Đức Thánh Linh, đã nhận được sự cứu rỗi, nhưng họ chưa kinh nghiệm “báp-têm bằng Đức Thánh Linh”. Do đó, khi hai sứ đồ Phi-e-rơ và Giăng đến đặt tay trên họ và cầu nguyện, họ liền được báp-têm bằng Đức Thánh Linh.

Đối đáp với Hệ Phái Ngũ Tuần:

Nếu đọc cẩn thận câu chuyện, chúng ta dễ thấy rằng trước khi Phi-e-rơ và Giăng đến đặt tay cầu nguyện cho tín đồ Sa-ma-ri, họ đã chịu phép báp-têm nhân danh Chúa Jesus, nhưng họ chưa nhận được Đức Thánh Linh, câu 16 xác minh rõ: “Vì Đức Thánh Linh chưa giáng xuống trên một ai trong bọn đó”. Sự kiện tín hữu Sa-ma-ri nhận lãnh Đức Thánh Linh (báp-têm bằng Đức Thánh Linh) sau khi được đặt tay cầu nguyện cho thấy đó là lần đầu tiên họ kinh nghiệm về Đức Thánh Linh chứ không phải là kinh nghiệm lần thứ hai về Đức Thánh Linh. Chính vì vậy, câu chuyện tín hữu Sa-ma-ri đã tiếp nhận đạo cứu rỗi rồi sau một thời gian họ được báp-têm bằng Đức Thánh Linh, không thể đem áp dụng cho các con cái Chúa trong Hội Thánh ngày nay, là những người đã tin Chúa, đã nhận Đức Thánh Linh vào thời điểm họ tin Chúa [Vì họ đã được tái sanh bởi Đức Thánh Linh, trở nên con cái Đức Chúa Trời].

Như vậy, nan đề cần được giải quyết trong Công Vụ Các Sứ Đồ 8:14-17 là: tại sao người Sa-ma-ri chưa nhận được Đức Thánh Linh khi họ tiếp nhận đạo Chúa? chứ không phải là tín đồ Sa-ma-ri chưa được kinh nghiệm lần thứ hai về Đức Thánh Linh. [Để giải đáp câu hỏi nầy, xin đọc bài “Tại sao tín hữu Sa-ma-ri chưa nhận Đức Thánh Linh khi họ tin Chúa?” trong mục giải đáp thắc mắc.]

Các con cái Chúa ngày nay cần noi theo tấm gương của Hội Thánh Bê-rê trong khi nghe giảng dạy Lời Chúa (Công Vụ Các Sứ Đồ 17:10,11). Tín hữu thành Bê-rê tra xem Kinh Thánh để biết sự giảng dạy của Phao-lô và Si-la có đúng theo Kinh Thánh không. Ngày nay cũng vậy, con cái Chúa cần phải xem xét cẩn thận sự giảng dạy của các lãnh đạo trong Hội Thánh có phù hợp với Kinh Thánh hay không: giáo lý nào đúng với Lời Chúa thì tiếp nhận vì đó là Lời Chúa, còn sự giảng dạy nào không thích hợp với Kinh Thánh thì loại bỏ vì đó là ý của con người. “Những người nầy (Bê-rê) có ý hẳn hoi hơn người Tê-sa-lô-ni-ca, đều sẵn lòng chịu lấy đạo, ngày nào cũng tra xem Kinh Thánh, để xét lời giảng có thật chăng.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 17:11)

Tháng 8, 2014

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *