Đừng biến con cái trở thành thần tượng trong hôn nhân

Đừng biến con cái trở thành thần tượng trong hôn nhân

DƯỠNG LINH
12:15 13/06/2020
 
Oneway.vn – Vợ chồng tôi kết hôn đã được 17 năm và có có bốn đứa con.

Khi bạn có đến bốn đứa con, thì con cái rất dễ trở thành trung tâm cuộc sống bạn. Chúng tôi luôn cố gắng để gia đình tập trung vào Phúc âm chứ không phải con cái. Việc đó khó, nhưng có thể.

Trước khi có con, một người bạn thời đại học gọi cho chồng tôi. Anh ấy nói: ”Tớ muốn cho cậu biết rằng ba mẹ tớ sắp ly hôn”. Tôi nghĩ: “Sắp ly hôn? Họ đã kết hôn được 25 năm, và bây giờ họ bỏ cuộc?” Không biết điều gì đã gây ra vụ ly hôn này, nhưng tôi đoán rằng ở đâu đó trên con đường bước với Chúa họ không còn để Phúc âm là mục tiêu nữa.

Tuy các bậc cha mẹ không cố ý; nhưng điều đó dần xảy ra theo thời gian. Khi bạn phát hiện mình đang mang thai hoặc chuẩn bị nhận con nuôi, bạn thường tự hỏi bản thân và người phối ngẫu: “Chúng ta muốn sinh tại nhà hay bệnh viện? Chúng ta có bảo hiểm không? Chúng ta có tiền để nhận con nuôi không? Chúng ta có nói với bạn bè không? Cha mẹ chúng ta sẽ nghĩ gì?” Thường thì chẳng ai hỏi: “Chúng ta sẽ nuôi dạy con như thế nào trong niềm tin Cơ Đốc?” Vấn đề thậm chí còn lớn hơn bởi vì khi đặt con cái làm trung tâm, chúng ta sẽ cảm thấy mình là cha mẹ tốt. Chúng ta muốn người khác trầm trồ rằng: “Hãy nhìn xem họ yêu  con cái nhiều như thế nào. Họ đầu tư cho cuộc sống con cái biết bao nhiêu”. Chúng ta nghĩ rằng vì con cái chỉ thực sự ở bên mình trong khoảng 18 năm, nên phải xây dựng nền tảng cuộc sống vững chắc cho chúng. Tuy nhiên có ba nguy cơ mà một gia đình đặt con cái làm trung tâm sẽ gặp phải:

1. Hôn nhân bị đe dọa

Tôi không biết điều gì khiến cha mẹ người bạn kia ly dị, nhưng tôi đoán rằng một ngày nọ sau 25 năm nuôi hai đứa con và đưa chúng đi học đại học, hai vợ chồng thức dậy, nhìn vào người đầu ấp tay gối với mình, và không hề nhớ làm sao họ lại đang nằm đây. Họ đã mất tình yêu đầu tiên dành cho nhau vì đã dốc toàn bộ cuộc sống để làm con cái hạnh phúc. Và điều đó phải đánh đổi bằng sức sống của cuộc hôn nhân.

Điều này xảy ra từng chút một. Họ không còn thân mật vì quá quá bận rộn với con cái. Họ không có thời gian để vun đắp hôn nhân vì con. Họ không đặt hôn nhân làm ưu tiên bởi vì con cái có quá nhiều nhu cầu. Tôi hiểu điều đó. Chúng tôi có bốn đứa con, và phải dành rất nhiều thời gian cho chúng. Chúng tôi phải từ bỏ các trận bóng đá, cuộc hẹn làm tóc, thậm chí việc khám sức khỏe hay các hoạt động của Hội thánh. 

Nhưng chúng ta không nên yêu con cái hơn yêu người phối ngẫu của mình. Tôi thường xuyên nói với các con: “Mẹ yêu cha con nhiều hơn con”. Điều đó không hề ích kỷ; điều đó rất đúng. Vợ chồng tôi liên tục đầu tư cho hôn nhân, vì Chúa kêu gọi chúng tôi trở thành cha mẹ để cùng nhau nuôi dạy các con, và mối quan hệ của chúng tôi phải được ưu tiên nếu muốn làm cha mẹ tốt. Khi đặt con cái lên trên cả hôn nhân, chúng ta sẽ mệt mỏi. Tuy rằng mất thời gian, nhưng đầu tư cho hôn nhân là việc đáng để ưu tiên, vì nếu vợ chồng bạn không có mối quan hệ lành mạnh, bạn sẽ không thể nuôi dạy và môn đồ hóa con cái mình cách tốt nhất.

2. Khiến các con trở nên kiêu ngạo.

Các con tôi không thường xuyên nhận được những gì chúng muốn. Đó chính là cuộc sống. Thế giới này sẽ là một nơi khó sống nếu bạn cứ liên tục ca thán rằng “thật không công bằng”. Nếu cứ phục vụ mọi nhu cầu và mong muốn của con, con sẽ lớn lên và cho rằng thế giới này cũng chiều chuộng mình như vậy. Chúng tôi muốn dạy con rằng đây là cách cuộc sống diễn ra, và con phải xứng đáng với bất cứ điều gì con muốn.

Nhưng sự thật là chúng ta không xứng đáng với bất cứ điều gì. Thực tế, Phúc âm mâu thuẫn trực tiếp với ý tưởng rằng chúng ta xứng đáng có tất cả, xứng đáng được hạnh phúc bằng mọi giá. Lời Chúa dạy chúng ta phải phục vụ, hy sinh mạng sống cho người khác. Khi cho phép con cái trở thành “trung tâm” của thế giới và gia đình, chúng ta không thể dạy con học theo tinh thần phục vụ của Chúa Jêsus. Các con sẽ cảm thấy không vui khi phục vụ những người xung quanh, vì con kiêu ngạo và đã quen với việc được phục vụ mọi lúc. Mục tiêu của cha mẹ là dạy con cái biết yêu thương, vâng lời và theo Chúa Jêsus. Đừng khiến con đi sai đường bằng cách để cả gia đình xoay quanh nhu cầu và mong muốn của con.

3. Biến con cái thành thần tượng.

Đây là mối nguy hiểm lớn nhất. Chúng ta biến chính con cái mình thành thần tượng khi đặt con làm trung tâm. Một số người thậm chí còn nghĩ rằng điều đó thật dễ thương và bình thường. Chúng ta đang cố che giấu sự thật mình đang tôn con cái lên làm thần tượng khi gọi đó là “cách nuôi dạy con tuyệt vời”. 

Nhưng chúng ta không được phép tìm kiếm niềm vui và sự thỏa lòng nơi con. Bất cứ điều gì chúng ta khao khát hoặc yêu mến hơn Chúa đều có thể trở thành thần tượng của chúng ta.

Thật đáng sợ bởi điều đó không hề trông giống như thần tượng. Nhưng Đức Chúa Trời là thánh khiết, Ngài ghen tuông và muốn chúng ta yêu Ngài bằng tất cả tình yêu. Ngài cũng là Đấng duy nhất có thể mang đến sự thỏa lòng cho chúng ta. Điều đầu tiên trong 10 điều răn là: “Trước mặt ta, ngươi chớ có các thần khác”. Khi Môi-se lên núi, đoàn dân bên dưới mệt mỏi vì chờ đợi và tự giải quyết vấn đề bằng cách tạo ra con bò vàng của riêng họ và thờ phượng nó. Đó là một dân cứng cổ và Chúa phán cơn thịnh nộ của Ngài sẽ bùng cháy và tiêu diệt họ.

Gần đây, chúng tôi phải từ chối những điều tốt cho con mình vì biết đó không phải là điều tốt nhất cho gia đình. Đó không phải là quyết định dễ dàng. Trong thâm tâm, tôi bắt đầu thần tượng con cái và hạnh phúc của con, nghĩ rằng người làm mẹ phải làm mọi thứ để con mình hạnh phúc, và tôi cũng sẽ hạnh phúc khi nhìn con vui. Nghe có vẻ tốt đẹp và cao cả, nhưng đôi khi điều tốt chưa phải là điều tốt nhất.

Khi thần tượng một ai đó (như con cái), chúng ta nghĩ rằng hạnh phúc của họ sẽ thỏa mãn chúng ta. Khi nuông chiều theo mọi nhu cầu, mong muốn của con, chúng ta đang biến con mình thành thần tượng. 

Chúng ta có thể nhận thức mối nguy hiểm khi thần tượng công việc, vật chất, hoặc thậm chí là hôn nhân hơn Chúa, nhưng đôi khi quên rằng chúng ta đang thần tượng con cái. Chúng ta nghĩ rằng con mình không thể nào là thần tượng, nhưng lại muốn làm con hạnh phúc hơn là làm hài lòng Chúa, thỏa lòng trong hạnh phúc của con. Chúng ta luôn phấn đấu để tìm kiếm niềm vui, sự thỏa lòng và cả giá trị bản thân nơi con cái.

Thần tượng con cái và gia đình hơn Phúc âm sẽ dẫn đến nhiều nguy hiểm. Hôn nhân xa cách, con cái kiêu ngạo, chúng ta sẽ liên tục cảm thấy thất vọng và phải đấu tranh để có thể hài lòng. Khi biến con cái thành thần tượng, chúng tôi sẽ rất không thỏa lòng. Thần tượng không giúp chúng ta vững vàng, mang đến niềm vui, sự thỏa lòng. Đó là điều mà chỉ trong Chúa mới có thể.

Như tôi đã nói, đây là công việc khó khăn. Chúa kêu gọi chúng ta làm cha mẹ không phải để nhận được hạnh phúc từ con cái hay mang đến hạnh phúc tuyệt đối cho con. Nhưng công việc của chúng ta là vâng theo Châm ngôn 22:6: “Hãy dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo; Dầu khi nó trở về già, cũng không hề lìa khỏi đó”

Chúng ta không thể dạy con tận hiến cuộc đời cho Phúc âm, khi tất cả những gì con thấy là cha mẹ dành cả cuộc đời cho chúng. 

Hỡi các bậc cha mẹ, công việc của bạn thật lớn lao và luôn bị đe dọa. Chúng ta đang nuôi dưỡng thế hệ sẽ dùng Phúc âm để thay đổi thế giới, nhưng con sẽ không thể làm được điều đó nếu con cho rằng thế giới này xoay quanh bản thân mình. Là cha mẹ, đừng bao giờ lừa dối con cái mình như vậy.

 

Bài: Jamie Ivey; dịch: Nhạn Võ

(Nguồn: churchleaders.com)

NGUỒN  oneway.vn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *