Hai Mẹ Con Và Một Đĩa XôiNgày 25/04/2020 MS Uông Nguyễn Đứa con gái không còn trẻ tuổi, vừa mới đi học về. Vì quá đói bụng nên cô ta nhăn mặt. ‘Ôi con đói lắm! Đói run cả người!’ ‘Này con gái! Mẹ bảo này! Bác Tiêu vừa mang biếu mẹ dĩa xôi vẫn còn nóng hổi kìa! Con lấy ra ăn tạm cho đỡ đói.’ Đứa con gái hướng theo ngón tay người mẹ chỉ, cô ta liền hối hả đi theo đỡ lấy dĩa xôi nóng, mang vào phòng ăn ngấu nghiến. Khi đã ăn xong, cô bé đã cảm thấy ấm bụng. Cô đủng đỉnh đi về phía người mẹ và những người thân trong dòng tộc để nghe họ nói chuyện. Cũng lúc này trong số những người thân có dì Tiềm rất vui tính vốn hay trêu chọc con cháu để gây hoà khí. Đối với dì Tiềm thì trêu chọc người thân cũng là cách duy nhất để bà bày tỏ tình cảm của mình vì bà muốn mọi người đến với nhau bằng những tiếng cười để xả đi những nỗi lo âu, để người thân càng thêm gần gũi. Theo thói quen thường ngày dì Tiềm nhìn đứa cháu gái nói cách bông đùa. ‘Một mình con ăn hết cả dĩa xôi hay sao?’ Bà ta nói và cười khanh khách trên khuôn mặt rất duyên dáng. Dĩ nhiên trong tiếng bà cười nói cách khôi hài ấy, bà trông đợi câu đáp lại cũng mang tính cách bông đùa để tất cả mọi người trong gia đình sẽ có những tràng cười hỉ hả. Nhưng hôm nay câu bông đùa của bà đã nói không đúng lúc và không đúng đối tượng. Đứa cháu gái kia không nhìn ra cách bông đùa, không nhìn ra tấm lòng trìu mến của người dì. Cô ta cho rằng đây là lời phỉ báng, một cái gì đó làm tổn thương lòng tự trọng của mình. Bé gái liền đỏ mặt cất giọng sửng cồ: ‘Ăn hết thì sao? Bà tiếc hả? Nếu bà tiếc thì mai tôi sẽ mua đền! Ăn một chút xôi mà nói móc họng làm cho tôi muốn ói!’ Nghe đứa cháu gái trả lời sự bông đùa như thế tất cả mọi người thân trong phòng khách chỉ còn biết nhìn nhau. Họ chưng hửng! Tất cả đều như bị sốc! Họ giật mình về cách ăn nói sửng cồ của một đứa cháu gái mà hình như tất cả các bà dì trong gia đình đã từng cưu mang cô bé trong bao tháng năm qua. Mọi người thân trong phòng đang từ trạng thái hỉ hả nói cười với nhau, nay bỗng nhiên phải ngồi im. Họ ngậm miệng cách ngạc nhiên. Tất cả đều không thể ngờ đứa cháu gái trong ngày hôm nay lại có thể đối đáp như thế trước mặt toàn thể mọi người thân. Không khí trong căn phòng bỗng nhiên chở nên nặng nề khó tưởng. Có lẽ bà mẹ hiền kia mới là người bị sốc nhất. Bà nghe rõ tiếng nói của đứa con gái mới lớn của mình. Bà biết rõ cách con mình mở miệng nói hành với những người thân yêu. Khoảnh khắc thoáng lặng, bà chỉ biết nhìn con, và lướt nhanh nhìn vào từng khuôn mặt của mỗi người thân trong căn phòng. Bà thầm lắc đầu! Không ai hơn, chính bà trong lúc này mang trong mình một tâm trạng tràn ngập thất vọng. Bà ngoái lại nhìn vào mặt đứa con gái. Bà thật sự không biết nên phản ứng ra sao khi con gái của mình đã bày tỏ lời nói, hành động bất nhã với những người thân yêu. Chính những người thân yêu này đã bấy lâu nay cùng nhau cưu mang đùm bọc mẹ con bà qua bao thăng trầm của đời. Bà mẹ hiền không biết phải làm gì và cũng chẳng biết nói sao trong lúc này. Bà hắng giọng, và cố chuyển tông toàn bộ câu chuyện trong phòng khách. Sau khi mọi người ra về. Không khí của gia đình hai mẹ con tiếp tục thêm thinh lặng. Tối hôm đó, trong bữa cơm, bà nhìn con, nhìn đời, nhìn Chúa mà thầm trăn trở. ‘Ôi con gái mới lớn của ta. Làm sao con có thể thở ra thứ ngôn ngữ như vậy với tất cả những cô dì chú bác bề trên?’ Bà không biết phải biết nói ra sao, bà gạt nước mắt nhưng trong lòng thì tràn ngập một nỗi thất vọng. Bao nhiêu năm tháng đã qua, dì Tiềm đã luôn luôn bên cạnh bà để an ủi sau cuộc li hôn đầy đau khổ, và những lần bà phải nhập viện thì cũng chính dì Tiềm thường xuyên thăm bà và tranh thủ thời gian đón con gái của bà về nhà và thay bà chăm sóc. Miệng lưỡi con người ta là nơi chuyển tải tất cả những suy tư của một cõi tâm hồn. Bà sợ lắm cho tương lai của một đứa trẻ khi mà tâm hồn của nó là một mối bòng bong, con người của hoang dã. Sau khi con gái đi ngủ. Một mình bà ngồi thổn thức trong đêm khuya. Bà chỉ biết tâm sự cùng với Chúa. Bà cầu nguyện để vơi đi một nỗi lo âu. ‘Ta đã dạy dỗ con của ta ra sao?’ Bà âm thầm tự hỏi. ‘Lý do gì con của ta không bày tỏ lòng biết ơn tới bác Tiêu, dì Tiềm?’ Bà e ngại và cố nặn ra trong tâm trí của mình để tự trả lời những câu hỏi ấy. Khi con người ta không biết quan sát, không bày tỏ lòng biết ơn, dù là việc lớn hay việc nhỏ thì không sớm hay muộn, con người này sẽ mang ra những điều phản trắc. Nhìn con gái ngủ mà bà cảm thấy lo âu cho tương lai của con gái mình. Bà còn thổn thức hơn khi nhận thấy chỉ một thái độ vô duyên, chỉ một lời nói không đúng cách, con gái của ta đã phá vỡ tất cả những gì mà ta đã cố xây lên trong bao nhiêu tháng ngày qua. Bà suy nghĩ. Bà chỉ muốn nói chuyện riêng với con gái, nhưng bà đợi phải có thời gian với một niềm hy vọng là con mình sẽ trưởng thành hơn, biết quan sát sâu hơn để nhận ra vấn đề. Giấc ngủ đã không đến bên bà đêm hôm đó. Bà trằn trọc và tự nhiên bà cứ tưởng tượng cái giọng nói, và khuôn mặt đỏ hửng của con gái bà khi nói lời hỗn hào không cần thiết cùng những người thân. Bà giật mình nhận ra: ‘Con gái của mình ngần ấy tuổi, có đầu óc, nhưng không hiểu sao nó không có bạn thân.’ Trong bao nhiêu năm qua con gái của bà đã liên tục luân chuyển bạn bè. Cô ta đổi hết từ những người bạn này đến với những người bạn khác. Ai ai trong thời gian đầu đối với cô ta cũng đều có vẻ ý hợp tâm đồng và được giới thiệu là ‘bạn của con đấy,’ nhưng những người bạn này chỉ được một thời gian rất ngắn, rồi bỗng nhiên hầu hết đều bị xa thải. Nếu không vì dĩa xôi hôm nay thì bà không biết rõ về tâm hồn của con gái. Bà mẹ nhận ra, không phải là người thân, mà chính tâm hồn của con gái mình. Cô ta đang bị chìm lặng trong góc khuất mà không thể nhìn ra khiếm khuyết rất lớn trong tâm hồn. ‘Mục sư ơi! Ông có thể giúp con gái của tôi nhìn ra vấn đề hay không?’ và bà kể lại rất tỉ mỉ câu chuyện đã xảy ra trong gia đình cùng tất cả những mối quan tâm. Mục sư kiên nhẫn ngồi nghe. Bà mẹ bày tỏ niềm hy vọng vị Mục sư có thể đem sự khôn sáng của Chúa trong ông và giúp bà. ‘Cảm ơn chị đã nói cho tôi biết rõ. Cảm ơn chị đã biết quan sát sâu xa. Tôi sẽ cầu nguyện cho cháu, và sẽ cùng làm việc với cả hai mẹ con chị và cả những người thân khác trong gia đình.’ Mục sư nhận lời. Ông không quên nêu rõ: ‘Để cho con gái của chị có thể nhìn ra vấn đề, đây không thể là việc của một sớm một chiều. Nếu chị cần những bác sỹ tâm lý tôi sẽ giới thiệu, nhưng đây sẽ là việc rất tốn kém, mà khả năng của chị thì không thể nào chi trả cho bác sỹ tâm lý được. Vả lại nếu chỉ dựa vào những lời tư vấn của bác sỹ tâm lý không thôi cũng chưa đủ, con người phải có cộng đồng. Tôi sẽ cùng chị hướng dẫn cháu gái bước đi trong đời cùng người thân trong cộng đồng tin Chúa.’ ‘Chúng ta sẽ bắt đầu ra sao đây?’ Bà mẹ rất quan tâm đặt câu hỏi. ‘Có rất nhiều việc chúng ta phải làm, nhưng theo tôi chúng ta sẽ bắt đầu bằng cách cùng nhau học và thảo luận trong thư Phao-lô gửi cho các tín hữu trong thành Ê-phê-sô và sau đó sẽ sang thư Philíp. Tôi tin rằng, sau khi học xong hai thư tín này, với sự kiên nhẫn và trung tín của chúng ta, con gái của chị sẽ nhận ra, để sống lành mạnh con người phải biết nuôi dưỡng lòng biết ơn. Trước hết là biết ơn Trời, biết ơn về sự cứu rỗi, và sau nữa là biết ơn những người trong cộng đồng đã từng cưu mang lẫn nhau, và sẽ không ngừng tiếp tục cưu mang…’ MS UÔNG NGUYỄN |
Nguồn www.songdaoonline.com |
Tags Hai Mẹ Con Và Một Đĩa Xôi