Luật Cân Bằng Của Thiên Chúa

Mục sư Nguyễn Duy Tân © 2024 TinLanhLibrary.info
Nếu vạn vật hay xã hội không cân bằng được hai thái cực như phải trái, âm dương, sáng tối, nóng lạnh, cao thấp, cung cầu, nam nữ, đực cái, tốt xấu, đúng sai, giỏi dỡ, mạnh yếu, giàu nghèo, vui buồn, v.v…, thì nó sẽ bị mất quân bình và không ổn định. Lúc đó, nó bắt buộc phải có khuynh hướng chuyển động hay biến đổi để tạo lại thế quân bình hay thế ổn định.
Thí dụ, khi bầu không khí ở một nơi bị nắng nhiều khiến cho nhiệt độ tăng quá cao thì nó phải di chuyển đến một nơi có không khí mát mẻ hơn. Còn không khí ở nơi mát hơn lại muốn kéo đến nơi có không khí nóng hơn. Đó là cách mà thiên nhiên tìm sự cân bằng giúp cho không khí trộn lại với nhau để không còn nơi nào quá nóng hoặc quá lạnh. Khi hai luồng không khí di chuyển ngược nhau thì thường gây nên hiện tượng quay vòng, tạo nên những luồng gió soắn ốc. Nếu tốc lực tăng cao thì biến thành những cơn bão. Khi có hai ba cơn bão soắn ốc kết hợp nhau thì có thể biến thành những cơn siêu bão.
Khi nước mưa đổ xuống quá nhiều trên một vùng có đồi núi cao thì nó phải chảy xuống theo luật cân bằng cao thấp, gây nên lũ khi nước dồn quá nhiều nơi một vùng cao nào đó. Khi đất trên đồi cao thấm nhiều nước thì đất bị loãng ra và nặng nên phải tuột xuống gây nên hiện tượng sạt lở theo định luật cân bằng nầy.
Trong thiên nhiên, sấm sét cũng là một hiện tượng tạo cân bằng giữa âm điện (electrons) trên mây và dương điện (protons) trên mặt đất. Nói tóm tắc, khi trời chuyển mưa, các hạt nước mưa to nằm phía dưới của các đám mây chứa nhiều âm điện. Nó tạo ra một sức hút đến dương điện trên mặt đất. Các đồi cao hay các cây cao hay toà nhà cao là những nơi khiến cho hai luồng điện nầy đến gần nhau nên các âm điện từ trên mây chạy xuống đất, làm cho không khí bị đốt cháy quá nóng, giản ra quá nhanh nên gây nên tiếng nổ gọi là sấm sét. Hiện tượng đó cũng là một cách để giúp giải quyết sự mất cân bằng giữa hai dòng điện âm dương trong bầu khí quyển, giúp cho âm dương được cân bằng.
Trong xã hội cũng vậy, khi lợi tức không được phân phối đồng đều, không cân xứng thì xã hội đó không lành mạnh, bất công và bất ổn. Nó phải có một chuyển động nào đó chẳng hạn như những cuộc đình công hay biểu tình để lập lại thế quân bình. Vì thế mà xưa nay không có một thể chế nào tồn tại lâu dài nếu cai trị cách quá gian ác, bốc lột công sức của người yếu thế, bắt họ làm lụng cực khổ hoặc phải nạp thuế quá nặng.
Trong việc ăn uống, thức ăn cũng có hai loại, loại âm (hàn) và loại dương (nóng). Khi ta ăn uống mà không tôn trọng sự cân bằng âm dương, thì sẽ sinh ra tình trạng hổn loạn cho cơ thể. Người nào chỉ ăn đồ âm thì cơ thể bị hàn liên tục (lạnh người, tay chân lúc nào cũng lạnh) và dễ mắc bệnh ung thư. Ở xứ nóng người ta thích ăn uống đồ “mát” loại âm. Ở xứ lạnh người ta thích ăn đồ “ấm” loại dương như cà-rốt, tỏi, tiêu, hành, gừng, quế, …
Trong cảm xúc, khi vui buồn thái quá thì cũng dễ bị mất quân bình. Khi cuộc vui lên quá cao thì sau đó người ta dễ cảm thấy buồn chán. Những người dùng thuốc kích thích để được phấn khởi quá mức thì sau đó dễ bị rơi xuống tình trạng trầm cảm.
Ngoài những ví dụ nêu trên, luật cân bằng còn liên hệ đến rất nhiều điều khác chẳng hạn như sự cân bằng giữa luật hấp dẫn (gravity) và luật ly tâm (centrifuge) giúp cho các hành tinh di chuyển cách đều đặn từ năm nầy sang năm kia theo một quỹ đạo nhất định. Luật cân bằng cũng quan trọng trong các hệ sinh thái, mỗi sinh vật đều có một vai trò trong môi trường của mình. Ở nước Pháp có lần người ta bực bội vì các con chồn cứ đến bắt gà của nông dân nên họ giết hết các con chồn trong vùng. Chẳng bao lâu thì môi trường đó xuất hiện quá nhiều chuột vì không có đủ các con chồn để ăn thịt chúng.
Các nhà “khoa học” Tiến hoá cho rằng luật của thiên nhiên là “Mạnh sống, mống chết”, “cá lớn nuốt cá nhỏ”, và trong thế giới nầy “Sự tồn tại thuộc về kẻ mạnh hơn.” Nhiều chế độ đã tin theo thuyết đó, như Hitler của Đức Quốc Xã, đã cố gắng dùng vũ lực để bức hiếp các nước nhỏ hơn. Lý thuyết đó hoàn toàn đi ngược với định luật cân bằng của Thiên Chúa. Trong thiên nhiên chúng ta thấy con cọp mạnh hơn con khỉ nhưng khỉ thì lanh lẹ và cọp không biết leo cây. Sư tử thì mạnh hơn thỏ nhưng thỏ thì được Chúa ban cho khả năng chạy nhanh hơn. Sư tử thì đẻ con ít, thỏ thì đẻ con nhiều. Cá nhỏ cũng có thể lội nhanh hơn nên cá lớn cũng khó nuốt chúng. Vì thế sự cân bằng trong thiên nhiên vẫn tồn tại, giống khỉ hay thỏ yếu đuối hơn vẫn không bị tuyệt chủng.
Luật cân bằng trong vũ trụ và vạn vật là một nguyên tắc nền tảng, bày tỏ rằng mọi hiện tượng tự nhiên và mọi mối quan hệ giữa các hành tinh và giữa mọi sinh vật đều có sự điều hòa để duy trì sự ổn định và tồn tại. Nếu mất cân bằng, vũ trụ vĩ đại hay xã hội hoặc cơ thể của chúng ta sẽ bị rơi vào tình trạng hỗn loạn và bất ổn. Vì thế luật cân bằng đóng một vai trò cần thiết trong việc hiểu biết của chúng ta để có thể toan tính, dự đoán, và duy trì sự ổn định trong cuộc sống.
Trong nhiều tôn giáo, bao gồm Cơ Đốc giáo, Phật giáo, và Ấn Độ giáo, quan niệm về “luật nhân quả” cho rằng mỗi hành động đều dẫn đến một kết quả tương ứng. Đây cũng là một dạng luật cân bằng, trong đó mọi người sẽ nhận lại kết quả công bằng cho mọi hành vi (cả tích cực lẫn tiêu cực) của mỗi chúng ta.
Kinh Thánh không trực tiếp đề cập đến “luật cân bằng” như một khái niệm khoa học hay triết lý, nhưng nhiều câu Kinh Thánh mô tả sự công bằng, hài hòa, và sự trật tự của vũ trụ đã phản ảnh những nguyên lý cân bằng mà Thiên Chúa đã đặt ra trong thế giới mà Ngài đã sáng tạo. Dưới đây là một số câu Kinh Thánh có thể giúp làm sáng tỏ nguyên lý cân bằng trong thế giới theo góc nhìn của Cơ Đốc giáo:
📖 Gala-ti 6:7-8 — “Đừng tự dối mình; Đức Chúa Trời không chịu khinh dể đâu; vì ai gieo giống gì, sẽ gặt giống ấy. Kẻ gieo cho xác thịt sẽ bởi xác thịt mà gặt sự hư nát; nhưng người gieo cho Thánh Linh sẽ bởi Thánh Linh mà gặt sự sống đời đời.”
Đây là một ví dụ về luật nhân quả hay luật gieo gặt, phản ảnh nguyên tắc cân bằng trong hành động và hậu quả. Những gì con người làm hôm nay họ sẽ nhận lại cách tương xứng trong tương lai, không chỉ trên bình diện vật chất mà cả về mặt tinh thần, không chỉ trong đời nầy mà cả đời sau. Ai gieo ác thì sẽ gặp ác. Ai làm lành thì sẽ gặp lành. Ai ban cho thì sẽ nhận lại. Người làm ác dù không bị hình phạt trong đời nầy vẫn phải gặp sự xử phạt từ Thiên Chúa trong đời sau, vì Ngài là vị Quan toà Tối Cao phải thực thi định luật cân bằng hay công bình của Ngài.
📖 Rô-ma 12:19 — “Thưa anh em yêu dấu, đừng tự tay mình báo thù ai, nhưng hãy nhường cho cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời; vì có lời Chúa phán: “Sự trả thù thuộc về Ta, Ta sẽ báo ứng.”
Lời này nói đến sự cân bằng trong công lý và trừng phạt. “Lấy oán trả oán” không phải là luật cân bằng dành cho con người, vì không ai có khả năng giữ cân bằng trong việc báo oán hay trả thù. Họ không thể tôn trọng luật “một mắt đền một mắt” nhưng nhiều khi họ đòi “một mắt đền một mạng!” Vì thế, con người không nên tự mình báo thù, vì việc gây thù chỉ tiếp tục gây thêm thù không bao giờ chấm dứt. Hãy dành việc phán xét cho Chúa vì chỉ có Ngài mới có thể thực hiện công lý một cách công bằng và hoàn hảo hơn chúng ta.
📖 Cô-lô-se 1:17 — “Ngài có trước muôn vật, và muôn vật đứng vững trong Ngài.”
Câu này nói đến sự cân bằng và bảo tồn sự bền vững của vũ trụ bởi quyền cai trị và kiểm soát của Chúa Cứu Thế Giê-su. Mọi thứ được tồn tại và được giữ vững bởi quyền năng của Ngài. Ngài không chỉ là Cứu Chúa của chúng ta, mà còn là Đấng Sáng Tạo, và là Đấng giữ gìn mọi thứ trong trạng thái cân bằng cho toàn vũ trụ trong đó có sự tồn tại của con dân Chúa cho đến cõi vĩnh hằng (sự sống đời đời).
📖 Giăng 3:16 – “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con Một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy, không bị hư mất mà được sự sống đời đời.”
Câu Kinh Thánh danh tiếng nầy diễn tả sự cân bằng mà Thiên Chúa đã thực hiện bởi sự hy sinh của Con Ngài trên thập tự giá. Tội lỗi đã mang đến sự mất cân bằng vô cùng nguy hiểm, đó là sự hư mất đời đời cho những con người có tội (sự chết đời đời và đau khổ nơi hoả ngục)! Nhờ sự chết của Con Ngài là Chúa Giê-su, người có tội được thứ tha, nhận được sự sống đời đời, và tái lập sự cân bằng nguyên thủy là sự sống vĩnh hằng mà Chúa đã ban cho khi con người được Ngài tạo dựng nên từ buổi ban đầu.
Những câu Kinh Thánh này và nhiều câu khác nữa phản ảnh sự cân bằng và công lý mà Đức Chúa Trời đã thiết lập trong cõi thiên nhiên và đạo đức. Những nguyên lý nầy cho thấy rằng trong vũ trụ có một trật tự vật lý và thiêng liêng được Thiên Chúa điều khiển và bảo tồn, từ các quy luật vật lý cho đến cách con người liên hệ và đối xử với nhau.
🙏 Cầu xin Chúa cho chúng ta hiểu rõ luật cân bằng nầy của Thiên Chúa để tiếp nhận Ngài vào lòng, tiếp tục nương cậy Ngài để sống trong bình an dù khi phải đối mặt với những thách thức đầy khổ đau và khó hiểu của cuộc đời, và trung tín theo Chúa cho đến khi được gặp mặt Đấng đang nắm vững mọi vật trong tay Ngài. Amen.
Có thể là hình ảnh về sương mù và đường

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *