Mười Điều Quan Trọng Trong Hành Trình Làm Cha Mẹ
Hành trình trở thành cha mẹ thường không dễ dàng và việc trở thành cha mẹ cơ đốc để dạy dỗ con đi theo đường lối Chúa càng khó khăn và đòi hỏi nhiều điều ở cha mẹ hơn nữa. Kể từ giây phút bạn dâng con lên trong tay Chúa trong lễ dâng con và nhận con lại cùng lời hứa nguyện sẽ dạy dỗ con đi theo đường lối của Chúa chính là giây phút cha mẹ cần nhận biết tầm quan trọng trong việc nuôi dạy con. Dưới đây sẽ là mười điều quan trọng trong hành trình nuôi dạy con mà cha mẹ cần lưu ý và trau dồi kỹ năng mỗi ngày.
1- Yêu thương trẻ
Nghe thì rất dễ, vì con cha mẹ sinh ra con thì yêu thương quá đỗi bình thường. Đúng vậy, vì “tình yêu” thì chỉ có duy nhất nhưng cách yêu thì lại rất nhiều: yêu thương chiều chuộng, yêu thương kỷ luật, yêu thương ích kỷ, yêu thương cấm đoán và khắc khe, yêu thương không điều kiện. Tất cả những bậc cha mẹ đều có những cách khác nhau để yêu thương con của mình, nhưng đã là cơ đốc nhân thì chúng ta được kêu gọi để yêu con trẻ với tình yêu mang hình ảnh của Chúa Jesus, tình yêu mặc dầu.
Mặc dầu con chưa làm tốt nhưng cha mẹ vẫn yêu con.
Mặc dầu con hay quấy khóc nhưng cha mẹ vẫn yêu con,
Mặc dầu con khá nhạy cảm và ương bướng nhưng cha mẹ vẫn yêu con,
một tình yêu mặc dầu không điều kiện, không giới hạn nhưng không vị kỷ “Tình yêu phải chân thành, phải ghét bỏ điều ác và gắn bó điều thiện.” (Rôma 12:9)
2- Quản lý cảm xúc tốt
Ngày nay cha mẹ nuôi dưỡng không trẻ không những chỉ chú trọng vào việc nuôi dưỡng trí thông minh của não bộ (IQ) mà còn rất quan tâm chăm sóc và nuôi dưỡng các trí thông minh khác trong đó có trí thông minh về cảm xúc (EQ). Trí thông minh cảm xúc được đánh giá dựa trên sự quản lý cảm xúc, nhận diện cảm xúc, hiểu cảm xúc và suy luận cảm xúc. Hiện nay trí thông minh cảm xúc được đánh giá cao và liệt kê vào trong những kỹ năng quan trọng nhất cho trẻ rèn luyện và học tập vì đây là trí thông minh quyết định tới 80% khả năng thành công của con người trong khi chỉ số thành công của IQ chỉ có 20% thành công.
Tuy nhiên, trẻ sẽ khó có thể có được những kỹ năng như vậy khi cha mẹ là những người chăm sóc, định hướng, nuôi dưỡng, gần gũi với trẻ lại không có kỹ năng quản lý cảm xúc tốt.
Khi gặp khó khăn cha mẹ trở nên tức giận bực bội và cuối cùng là từ bỏ, dạy trẻ thiếu trách nhiệm, dễ dàng bỏ cuộc.
Vượt đèn đỏ khi vội vàng chúng ta dạy trẻ tính thiếu kỷ luật.
Càm ràm khi đang chờ đến lượt ta dạy trẻ thiếu kiên nhẫn.
Cáu bẩn khi ai đó làm thiệt hại mình ta cho trẻ sự ích kỷ và đề cao cái tôi.
Cha mẹ quản lý cảm xúc tốt là một trong những đòi hỏi quan trọng trong hành trình làm cha mẹ.
3- Gìn giữ nếp sống tin kính và trở thành gương mẫu
“Trẻ con không học bằng tai nhưng chúng học bằng mắt.” Dạy trẻ không phải là cha mẹ ngồi thuyết giảng trẻ lắng nghe và làm theo, nhưng đơn giản hơn là chỉ cần cha mẹ hành động như thế nào trẻ sẽ làm theo như vậy. Cha mẹ không thể đòi hỏi trẻ ngoan ngoãn vâng lời nhưng lại thường xuyên vi phạm luật giao thông, cũng không thể yêu cầu trẻ không được hét vào cha mẹ nhưng lại hét vào mặt chúng mỗi khi chúng chậm trễ hay làm điều gì đó sai xót, càng không thể muốn con đọc Kinh Thánh và cầu nguyện với Chúa nhưng lại không có thời gian cầu nguyện lễ bái trong gia đình, hay nhắc nhở con phải vâng lời Chúa dạy nhưng cha mẹ thường xuyên bỏ qua sự nhóm lại.
Khi cha mẹ chưa có con, họ có thể sống theo cách mà họ thấy thoải mái nhất miễn là không vi phạm pháp luật hay điều răng của Chúa, nhưng khi bước vào hành trình nuôi dạy con cái, cha mẹ học cách để kỷ luật bản thân rèn dũa chính mình để trở thành gương mẫu, vì những gì cha mẹ hành động là những gì con trẻ sẽ hành động trong tương lai.
4- Đi theo những nguyên tắc Thánh Kinh
Vì “Cả Kinh Thánh đều được Đức Chúa Trời cảm thúc, có ích cho sự dạy dỗ, khiển trách, sửa trị và huấn luyện trong sự công chính, để người của Đức Chúa Trời được toàn vẹn và sẵn sàng cho mọi việc lành.” II Ti-mô-thê 3:16-17 nên Kinh Thánh sẽ là thước đo chuẩn mực nhất của tất cả những lĩnh vực trong cuộc sống. Kinh Thánh chính là kim chỉ nan sẽ gắn bó với trẻ cả cuộc đời, bí quyết để hình thành nhân cách sống, khôn ngoan, thành công trong tuổi trưởng thành nhưng lại được gieo trồng từ trong những năm đầu đời của trẻ.
Không phải tự nhiên mà dân tộc Do Thái được gọi là một “dân tộc thiên tài”, dân tộc này đã có những bí quyết để nuôi dạy con cái rất đặc biệt, và những đứa trẻ Do Thái có tỉ lệ lớn lên trở nên tinh nhuệ, thành công siêu việt. Bí quyết của họ chính là dạy con theo tiêu chuẩn của Kinh Thánh, tất cả những em bé Do Thái đều thuộc lòng Kinh Năm sách Ngũ Kinh của Môi se trước bảy tuổi, và sau bảy tuổi sẽ học thuộc các sách còn lại của Cựu Ước.
Cha mẹ muốn nuôi dạy con trẻ thành công, thì bài học đầu tiên hãy dạy con đi theo những nguyên tắc Kinh Thánh.
5- Chú trọng nuôi dưỡng tâm linh trẻ
Tâm Linh chính là nội lực và sức mạnh chi phối cảm xúc và thể xác. Một tâm linh yếu kém dễ sản sinh ra những cảm xúc tiêu cực và ảnh hưởng đến sức khoẻ của thể chất.
Tức giận sẽ làm suy yêu gan, đau buồn sẽ ảnh hưởng đến phổi, căng thẳng làm giảm chức năng của tim và não, sợ hãi làm suy yếu thận v.v… Đó là một vài tác động của những cảm xúc tiêu cực lên cơ thể người. Vì vậy muốn nuôi dưỡng một cơ thể khoẻ mạnh trước hết cần nuôi dưỡng cảm xúc tích cực. Để nuôi dưỡng cảm xúc tốt trong trẻ cũng như để trẻ có thể quản lý tốt cảm xúc của mình, điều đó phải xuất phát từ bên trong trẻ là những điều của tâm linh. Khi tâm linh được nuôi dưỡng một cách lành mạnh được đầy dẫy Đức Thánh Linh chắc chắn nhưng bông trái Thánh Linh sẽ được biểu lộ trong cảm xúc và cuộc đời trẻ.
6- Ưu tiên giáo dục tri thức – kỹ năng và cảm xúc cho trẻ.
Ngày nay học vấn và bằng cấp chưa phải là điều kiện đủ để một người trở nên thành công mà đòi hỏi tri thức, các kỹ năng cá nhân, kỹ năng xã hội, và phẩm chất mới quyết định năng lực của một người. Vậy nên cha mẹ cần ưu tiên đầu tư tri thức và kỹ năng cho con, điều đó không phải chỉ đơn giản cho con đến trường, học các lớp kỹ năng nhưng còn là quá trình giúp con nhận thức và rèn luyện cùng con.
7- Khả năng học hỏi và cập nhật kiến thức.
Cha mẹ là một chức vụ, là thiên chức và chưa từng dễ dàng với bất cứ ai. Có thể Chúa đặt vào tay chúng ta một em bé ngoan ngoãn, dễ nghe nhưng không có nghĩa là chức vụ làm cha mẹ của chúng ta giảm đi hay ít hơn làm cha mẹ của một em bé nhạy cảm và khó chìu. Chức vụ làm cha mẹ mà Chúa đặt vào tay chúng ta đều như nhau, dù là với em bé hiền dịu hay em bé cá tính cha mẹ đều cần cân nhắc cách dạy dỗ và điều hướng cho con đúng cách. Để chúng ta có thể nuôi dưỡng con theo tính cách của con, để có thể làm trọn thiên chức cha mẹ này, cha mẹ cần không ngừng học hỏi và cập nhật kiến thức.
Quan điểm của mình, mình luôn tìm hiểu và kiểm tra mọi thông tin kiến thức trước khi truyền đạt cho con cái. Nếu con mình muốn coi một bộ phim thì chính mình sẽ ngồi cày bộ phim đó trước khi quyết định con có được xem hay không. Vì Ở một thế giới có quá nhiều thông tin khó phân định đúng sai, ta khó có thể dẫn dắt con đi trong đường lối Chúa nhưng không biết đến những thông tin mới, mà đôi khi những điều mới đó lại trái với Kinh Thánh hoàn toàn. Vậy nên Cha mẹ cần cập nhập trước để còn sàn lọc những kiến thức và thông tin đúng cho con cái.
Cha mẹ cũng không thể cứ sống với những quan điểm xưa cũ và bắt con cái phải làm theo. Cha mẹ cần nâng cấp bản thân bằng khả năng học hỏi và cập nhật những kiến thức mới, đó cũng là một cách nho nhỏ để ta có thể làm bạn với con và dễ bước vào thế giới của con hơn mà không có rào cản về thế hệ.
8- Dành thời gian chất lượng nuôi dưỡng tình cảm vợ chồng & con cái.
Có rất nhiều điều trẻ sẽ quên khi trưởng thành, nhưng một điều chắc chắn trẻ sẽ không bao giờ quên những khoảnh khắc vui vẻ và hạnh phúc bên gia đình. Cha mẹ cần có những khoảng thời gian tách biệt khỏi công việc, việc nhà cùng những lịch trình bận rộn để dành thời gian chất lượng bên con mỗi ngày. Thời gian để chơi cùng nhau trò chuyện và tương tác cùng trẻ sẽ là khoảng thời gian vô cùng hữu ích trong hành trình nuôi dưỡng trẻ.
Còn có một sai lầm cha mẹ dễ mắc phải là sau khi có con, cha mẹ sẽ tập trung toàn lực cho con cái mà quên đi việc dành thời gian chất lượng với nhau để xây dựng một hôn nhân bền vững. Nếu cha mẹ không học cách để xây dựng một hôn nhân bền vững để cho sự rạn nứt trong gia đình sẽ khó có thể nuôi dưỡng cảm xúc tích cực trong trẻ. Việc cha mẹ dành thời gian cho nhau có không gian riêng tư với nhau cũng là cách để cha mẹ làm gương cho con cái trong việc xây dựng một mối quan hệ lành mạnh.
9- Thấu hiểu và làm bạn với con trẻ
Ta làm mọi điều để trang bị cho trẻ những hành trang tốt để bước vào đời, nhưng đôi khi ta cũng cần bước vào thế giới của trẻ. Cha mẹ không chỉ là người dẫn đường nhưng còn là bạn đồng hành cùng con trong suốt hành trình này. Thấu hiểu và tôn trọng và lắng nghe trẻ chính là cách để cha mẹ có thể làm bạn với trẻ.
Đã bao nhiêu lần cha mẹ thấy phiền với những câu hỏi của con, và rồi sẽ đến một thời điểm nào đó con sẽ không còn hỏi bạn cho những lần tư vấn cho những vấn đề của con nữa. Đã bao nhiêu lần bạn yêu cầu con ngừng nói khi con đang thao thao kể những câu chuyện của con cho bạn, và rồi sẽ có một thời điểm nào đó bạn hỏi con cũng không bao giờ trả lời hay kể chuyện cho bạn nghe nữa. Mong rằng mọi đứa trẻ đều có những người bạn thân thiết đầu tiên là cha mẹ. Mọi bậc cha mẹ đều trân trọng những điều nhỏ nhặt từ con trẻ.
10- Tạo môi trường tốt cho trẻ phát triển
“Mọi sự đều được phép làm, nhưng không phải mọi sự đều có ích. Mọi sự đều được phép làm nhưng không phải mọi sự đều xây dựng.” I Cô-rinh-tô 10:23
Là cha mẹ cần cân nhắc và xem xét môi trường để giáo dục con cái. Không phải là môi trường tốt nhất nhưng là môi trường phù hợp với con nhất, mang tính xây dựng và thúc đẩy mọi khả năng của con nhất.
Tạo ra môi trường cho trẻ phát triển không có nghĩa là cha mẹ làm hết tất cả mọi việc, trải sẵn thảm hoa còn trẻ chỉ cần bước đi. Nhưng là môi trường trẻ được làm chính mình, có cơ hội để thể hiện khả năng của mình, được yêu thương và thấu hiểu.
Đây chính là mười điều quan trọng mà mỗi cha mẹ đều cần chú trọng trong quá trình nuôi dưỡng con cái theo chức vụ mà Chúa ban cho: chức vụ làm cha mẹ. Cầu xin sự khôn ngoan và ân điển của Chúa luôn đồng hành cùng cha mẹ để hoàn hành Thiên chức này.
Hongan Doan
Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com
NGUON: HOITHANH.COM