NĂM TỴ, NÓI CHUYỆN…RẮN TRONG KINH THÁNH

NĂM TỴ, NÓI CHUYỆN…RẮN TRONG KINH THÁNH

*Kinh Thánh: Sáng Thế Ký 3: 1; Dân số ký 21: 4-9; Giăng 3: 14, 15; Khải Huyền 12: 9; 20: 2

Theo văn hóa Á Đông, thì năm nay là năm Tỵ, tức năm con Rắn. Cho nên, Tết năm nay cũng gọi
là Tết con Rắn.
Con rắn là một trong muôn loài vạn vật được Đức Chúa Trời dựng nên từ buổi ban đầu như Kinh
Thánh đã khẳng định: “Đức Chúa Trời đã dựng nên thế giới và mọi vật trong đó” (Công Vụ,
chương 17, câu 24)
Trong Kinh Thánh, hình ảnh con rắn xuất hiện ngay từ những trang đầu của sách Sáng Thế Ký
(Sáng Thế Ký chương 3) và được nhắc đến trên 40 lần trong cả Kinh Thánh.
Kinh Thánh nói về rắn trong cả hai ý nghĩa tốt lẫn xấu. Đôi khi rắn được dùng như là biểu tượng
của sự khôn ngoan, của sự cứu sống. Chúa Giê-su phán với các mồn đồ của Ngài rằng: “Hãy
khôn ngoan như rắn!” (Ma-thi-ơ, chương 10, câu 16), hay như con rắn đồng làm cho nhiều
người trong dân Y-sơ-ra-ên được cứu sống khi bị rắn lửa cắn (Dân-Số -Ký, chương 21, câu 4 đến
9).
Có lúc, rắn là biểu tượng của Sa-tan làm kẻ cám dỗ tổ phụ con người phạm tội trong vườn Ê-đen:
“Vả, trong các loài thú đồng mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã làm nên, có con rắn là giống quỉ
quyệt hơn hết. Rắn nói cùng người nữ rằng: Mà chi! Đức Chúa Trời há có phán dặn các ngươi
không được phép ăn trái các cây trong vườn sao?  (Sáng Thế Ký, chương 3, câu 1).
Ở đây, ma quỷ đã mượn hình con rắn đến để cám dỗ tổ phụ loài người là A-đam và Ê-va phạm
tội cùng Đức Chúa Trời. Và theo như Kinh Thánh ký thuật lại, thì cuối cùng con người đã nghe
theo lời dụ dỗ quỷ quyệt của ma quỷ mà phạm tội không vâng lời Đức Chúa Trời. Kinh Thánh
kết luận: “Cho nên, như bởi một người mà tội lỗi đã vào trong thế gian, lại bởi tội lỗi mà có sự
chết và sự chết đã trải qua trên hết thảy mọi người như vậy, vì mọi người đều phạm tội” (Rô-ma,
chương 5, câu 12).
Theo Truyền Thuyết xa xưa của người Hy-Lạp, Thần Chữa Bệnh được biểu tượng bằng hình con
rắn. Hai ngành trong Y khoa là Y học và Dược học đều dùng hình ảnh con rắn làm biểu tượng.

2

Con rắn quấn trên cây gậy là biểu tượng của ngành Y. Còn con rắn quấn trên chiếc ly có đế,
đầu rắn hướng vào miệng ly, là biểu tượng của ngành Dược.
Biểu tượng của ngành Y nầy được lấy từ trong câu chuyện “Môi-se làm con rắn bằng đồng rồi
treo trên cây sào” trong sách Dân-Số-Ký, chương 21 của Kinh Thánh.
Cả hai ngành đều nhận hình con rắn làm biểu tượng vì người xưa, cả Đông Phương lẫn Tây
Phương đều xem con rắn là tượng trưng cho sức mạnh. Người ta còn tin rằng con rắn là loài bất
tử, do hiện tượng lột xác của nó.
Ca Dao, Thành Ngữ về rắn thì có những câu như:
+ Vẽ rắn thêm chân/ Vẽ rồng vẽ rắn (Chỉ người hay vẽ vời, thêm thắt, bịa đặt làm cho câu
chuyện thêm rối rắm)
+ Cõng rắn cắn gà nhà (Chỉ người hay làm những công việc gây nguy hại cho người thân, hay
gia đình)
+ Gặp rắn thì đi, gặp quy thì về (Khi đi mà gặp rắn thì may mắn, nên tiếp tục đi, nhưng gặp rùa
thì rủi ro, nên không nên đi)
+ Có chồng thì phải theo chồng
Chồng đi hang rắn hang rồng cũng đi.
+ Con gì có cánh không bay
Con gì không cẳng chạy bay năm rừng?
Thịt rắn được biết là một món ăn khoái khẩu với người dân miền Tây Việt Nam chúng ta. Khi
đến thăm miền Tây, chắc chắn bạn sẽ được mời thưởng thức món thịt rắn thơm ngon lừng lựng
và bổ dưỡng qua bàn tay chế biến tài hoa của các đầu bếp nổi tiếng tại đây. Nào, xin mời bạn!
Nghe nói người ta còn ngâm rắn vào rượu để uống cho tăng cường sức khỏe và làm cho trí tuệ
minh mẫn nữa.

3

Trong Xuất Ê-díp-tô Ký, chương 4, ghi lại việc Chúa làm phép lạ cho Môi-se xem:
“Đức Giê-hô-va phán rằng: Trong tay ngươi cầm vật chi? Thưa rằng: Một cây gậy. Phán rằng:
Hãy ném xuống đất đi. Người bèn ném xuống đất, gậy hóa ra một con rắn; Môi-se chạy trốn
nó. Đức Giê-hô-va bèn phán cùng Môi-se rằng: Hãy giơ tay ngươi ra nắm đuôi nó. Người giơ
tay ra nắm, thì nó hườn lại cây gậy trong tay.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 4: 2-4)
Câu chuyện cho chúng ta biết Chúa là Đấng có quyền trên muôn loài vạn vật, trong đó có con
rắn.
Một chỗ khác trong Xuất Ê-díp-tô Ký cũng chép lại một phép lạ về…rắn nữa:
“Đức Giê-hô-va phán cùng Môi-se và A-rôn rằng: Khi nào Pha-ra-ôn truyền cho các ngươi:
Hãy làm phép lạ đi, thì ngươi sẽ nói cùng A-rôn rằng: Hãy lấy gậy của anh, liệng trước mặt
Pha-ra-ôn, gậy sẽ hóa thành một con rắn. Vậy, Môi-se và A-rôn đến cùng Pha-ra-ôn và làm như
lời Đức Giê-hô-va đã phán dặn. A-rôn liệng cây gậy mình trước mặt Pha-ra-ôn và quần thần,
gậy liền hóa thành một con rắn. Còn Pha-ra-ôn bèn đòi các bác sĩ và thầy phù chú, là những
thuật-sĩ Ê-díp-tô; phần họ, cũng cậy phép phù chú mình mà làm giống in như vậy. Mỗi người
liệng gậy mình, liền hóa thành rắn; nhưng gậy của A-rôn nuốt các gậy của họ.” (Xuất Ê-díp-tô
Ký 7: 8-12)
Câu chuyện cho thấy Sa-tan cũng có quyền năng, nhưng quyền năng đó đã bị Chúa giới hạn, và
quyền năng đó phải bị khuất phục trước quyền năng siêu việt của Đức Chúa Trời vậy.
Có thể nói, Sa-tan không sợ ai cả, vì nó có quyền năng và sức mạnh hơn người. Sa-tan chỉ sợ
Chúa và những người có danh của Chúa trong mình mà thôi.
Câu chuyện con rắn đồng trong sách Dân Số Ký được nhắc lại vào thời vua Ê-xê-chia cai trị
vương quốc Giu-đa. Sau khi lên ngôi trị vì, vào ngày Mồng Một Tháng Giêng, vua Ê-xê-chia cho
sửa sang đền thờ và khôi phục lại sự thờ phượng Đức Chúa Trời đã bị lãng quên từ trước đó.
Một trong những việc đầu tiên mà vua Ê-xê-chia đã làm trong việc chấn chỉnh lại sự thờ phượng
Chúa là cho đập vỡ con rắn bằng đồng mà Môi-se đã làm. Kinh Thánh cho biết lý do vua Ê-xê-
chia đã làm điều ấy, vì lúc đó dân Do Thái đã xông hương và thờ phượng con rắn ấy thay vì thờ
phượng Đức Chúa Trời của họ: “Người phá hủy các nơi cao, đập bể những trụ thờ, đánh hạ các
A-sê-ra, và bẻ gãy con rắn đồng mà Môi-se đã làm; bởi vì cho đến khi ấy dân Y-sơ-ra-ên xông

4

hương cho nó người ta gọi hình rắn ấy là Nê-hu-tan.” (Các Vua thứ nhì, chương 18, câu 4). Việc
làm của vua Ê-xê-chia được đẹp lòng Đức Chúa Trời, nên Ngài đã ban phước cho vua Ê-xê-chia
và vương quốc của vua được cường thạnh: “Ê-xê-chia nhờ cậy nơi Giê-hô-va Đức Chúa Trời
của Y-sơ-ra-ên; nên trong các vua sau người, hoặc trong những vua trước người, chẳng có một
ai giống như người. Người tríu mến Đức Giê-hô-va, không xây bỏ Ngài, song gìn giữ các điều
răn mà Đức Giê-hô-va đã truyền cho Môi-se. Đức Giê-hô-va ở cùng người; hễ người đi làm sự
gì, đều được thành tựu.” (Các Vua thứ nhì, chương 18, câu 5 đến 7).
Câu chuyện về con rắn đồng trong Dân-Số-Ký cho chúng ta nhiều bài học thuộc linh quý báu:
Bài học đầu tiên là bài học cảnh báo chúng ta về sự vô tín. Trước khi người Do Thái bị rắn lửa
cắn, nọc độc về sự lừa dối, vô tín từ con rắn đầu tiên trong Sáng Thế Ký đã gieo vào lòng rất
nhiều người: từ A-đam, Ê-va di truyền tới những người Do Thái sống trong thời Môi-se. Cho đến
ngày nay, Sa-tan vẫn gieo nọc độc vô tín đó vào lòng nhiều người, nó làm mờ mắt nhiều người
đến nỗi họ không thể tin Chúa được.
Bài học thứ hai cảnh báo chúng ta về sự mê tín. Con rắn đồng mà Đức Chúa Trời đã truyền cho
Môi-se làm chỉ là biểu tượng của sự cứu rỗi mà thôi. Dân Y-sơ-ra-ên đã mắc một sai lầm nghiêm
trọng là đi thờ phượng con rắn đồng, biểu tượng của sự cứu rỗi, thay vì thờ phượng Đức Chúa
Trời, là Đấng ban sự cứu rỗi cho chúng ta qua Con độc sanh của Ngài là Chúa Giê-su.
Bài học thứ ba cảnh báo chúng ta về tội lằm bằm, oán trách. Đức Chúa Trời đã yêu thương chăm
sóc dân sự Ngài một cách tuyệt vời, từ thức ăn, nước uống, đến việc che mát vào ban ngày bằng
trụ mây và soi sáng, sưởi ấm ban đêm bằng trụ lửa. Ngài giải cứu họ khỏi cảnh nô lệ tại Ai-cập,
ban cho họ cuộc sống tự do, ban đất đai cho họ… Nhưng rồi họ lại vong ân bội nghĩa với Ngài,
thậm chí còn chống nghịch lại Ngài nữa, để rồi cuối cùng một thế hệ vô tín phải bị tuyệt diệt
trong đồng vắng, không vào được đất hứa đượm sữa và mật.
Là con dân Chúa, chúng ta cần nhớ những bài học lịch sử người xưa để lại để lấy đó làm gương,
hầu cho không đi theo vết xe đổ ngày trước để rồi phải lãnh hậu quả đáng tiếc như dân Y-sơ-ra-
ên đã lãnh.
Hãy sống với lòng tin cậy Chúa, không mê tín như người thế gian và không lằm bằm, ta thán
Chúa, thì chắc chắn chúng ta sẽ được Chúa ban phước chẳng sai!

5

Câu chuyện con rắn đồng trong sách Dân-Số-Ký cũng được chính Chúa Giê-su nhắc lại trong
sách Giăng, chương 3, câu 14, 15: “Xưa Môi-se treo con rắn lên nơi đồng vắng thể nào, thì Con
người cũng phải bị treo lên dường ấy, hầu cho hễ ai tin đến Ngài đều được sự sống đời đời.”
Con rắn đồng bị treo lên nơi đồng vắng thời Môi-se là hình bóng về việc Chúa Giê-su bị đóng
đinh trên thập tự giá tại đồi sọ (cũng là nơi đồi hoang vắng). Dân sự Chúa thời Môi-se khi bị rắn
lửa cắn, không phải làm chi cả, chỉ cần làm một việc đơn giản là nhìn lên con rắn đồng thì ngay
lập tức sẽ được cứu sống. Con rắn lửa biểu tượng cho sự hủy diệt, thì con rắn đồng trên cây sào
biểu tượng cho sự sống còn. Cũng vậy, Sa-tan đến để “cướp giết và hủy diệt”; còn Chúa Giê-su
đến chấp nhận chết trên thập tự giá, sau ba ngày Ngài sống lại và sống mãi mãi để ban sự cứu rỗi
(sự sống đời đời) cho những ai bằng lòng tin nhận Ngài.
Không ít người nghĩ, tôi phải làm điều nầy điều kia, tôi phải tu thân tích đức thật nhiều mới
mong được cứu rỗi. Đó là một sự suy nghĩ thật sai lầm và nguy hiểm. Chúa Giê-su phán: “Quả
thật, quả thật, Ta nói cùng các ngươi, hễ ai tin thì được sự sống đời đời.” (Giăng, chương 6, câu
47).
Kinh Thánh cũng khẳng định: “Hãy tin Đức Chúa Giê-su thì ngươi và cả nhà đều sẽ được cứu
rỗi.” (Công Vụ Các Sứ Đồ, chương 16, câu 31).
Ha-lê-lu-gia! Ngợi khen Chúa Cứu Thế Giê-su, Đấng đã đến để đem đến cho chúng ta sự sống
và sự sống sung mãn!
Trong sách Công Vụ Các Sứ Đồ, chương 28, câu 3 đến 6 cũng có nói đến rắn: “Phao-lô lượm
được một bó củi khô, quăng vào trong lửa, xảy có con rắn lục từ trong bó củi bị nóng bò ra,
quấn trên tay người. Thổ nhân thấy con vật đeo thòng lòng trên tay người, bèn nói với nhau
rằng: Thật người nầy là tay giết người; nên dầu được cứu khỏi biển rồi, nhưng lẽ công bình
chẳng khứng cho sống! Nhưng Phao-lô rảy rắn lục vào lửa, chẳng thấy hề chi hết. Họ ngờ người
sẽ bị sưng lên, hoặc ngã xuống chết tức thì;nhưng đã đợi lâu rồi, chẳng thấy hại chi cho người,
bèn đổi ý mà nói rằng thật là một vì thần.”
Thật là một phép lạ Chúa đã làm để cứu mạng của Phao-lô qua sự việc hy hữu nầy để ông tiếp
tục sống mà hoàn thành sứ mạng rao giảng Tin Lành mà Đức Chúa Trời đã giao phó cho ông
vậy.

6

Khi liên kết hình ảnh con rắn trong sách Sáng Thế Ký và sách Khải Huyền, chúng ta sẽ thấy hai
hình ảnh đó chỉ về một đối tượng mà thôi. Khải Huyền 12, câu 9, và chương 20, câu 2 cho
chúng ta biết cụ thể hơn về con rắn trong Sáng Thế Ký chương 3: “Con rồng lớn đó đã bị quăng
xuống, tức là con rắn xưa, gọi là ma quỷ và Sa-tan, dỗ dành cả thiên hạ…Nó đã bị quăng xuống
đất, các sứ nó cũng bị quăng xuống với nó. Người bắt con rồng, tức là con rắn đời xưa, là ma
quỷ, là Sa-tan mà xiềng nó lại đến ngàn năm.”
Như vậy, rõ ràng con rắn nói đến trong sách Sáng Thế Ký và sách Khải Huyền chính là hình ảnh
chỉ về Sa-tan, ma quỷ vậy.
Đây là điều chắc chắn, cho dù Sa-tan có mưu mô, quỷ quyệt, độc ác đến đâu đi nữa, thì đến ngày
cuối cùng của thế giới nầy, Chúa sẽ bắt nó và xiềng lại trong địa ngục cùng với ma quỷ và những
người vô tín. Và rồi chúng nó sẽ phải chịu khổ hình cả ngày lẫn đêm cho đến đời đời.
Cho nên, là người tin Chúa thật, chúng ta không có gì phải sợ hãi con rắn xưa là ma quỷ cả. Hãy
hết lòng tin cậy Chúa và vâng giữ Lời Ngài để chúng ta được sống bình an và vui thỏa trong tình
yêu đời đời của Cha chúng ta!

Nhân dịp Xuân về, Tết đến xin được tản mạn đôi chút về chuyện…rắn trong Kinh Thánh để
chúng ta cùng được nhắc nhở nhau về những điều nên làm và không nên làm trong dịp đón
Xuân, vui Tết, cũng như trong cả cuộc đời theo Chúa của chúng ta, hầu Chúa đẹp lòng.
Qua lăng kính Lời Kinh Thánh, là người tin Chúa, chúng ta không tin và làm theo đời nầy mà chỉ
tin và làm theo những gì Kinh Thánh đã dạy bảo chúng ta mà thôi, như Lời Chúa đã phán:
“Đừng làm theo đời nầy, nhưng hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm thần mình, để thử cho biết
ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào” (Rô-ma, chương 12, câu
2).
“Nguyền xin Lời của Đấng Christ ở đầy trong lòng anh em, và anh em dư dật mọi sự khôn
ngoan. Hãy dùng những ca vịnh, thơ thánh, bài hát thiêng liêng mà dạy và khuyên nhau, vì được
đầy ơn Ngài, nên hãy hết lòng hát khen Đức Chúa Trời.” (Cô-lô-se, chương 3, câu 16).
Vâng, nguyền xin Lời Chúa ở đầy trong lòng mỗi một con dân Ngài để chúng ta được dư dật mọi
sự khôn ngoan, và được thịnh vượng trong mọi sự. Amen!

7

Kính chúc quý tôi, con Chúa và tất cả mọi người gần xa một mùa Xuân mới tràn đầy ơn lành và
bình an từ Thiên Chúa ban cho!
California, Cuối Tháng 1/ 2025!
Mục Sư Nguyễn – Đình – Liễu

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *