Những Sự Kiện Trong Tương Lai

Khuynh hướng tự nhiên của của chúng ta là muốn biết những điều sẽ xảy ra trong tương lai. Trên núi Ô-li-ve, các môn đồ của Chúa Giê-su đã hỏi Ngài về tương lai của thế giới. “Khi Đức Chúa Giê-su ra khỏi đền thờ, đương đi, thì môn đồ đến gần để chỉ cho Ngài xem các nhà thuộc về đền thờ. Ngài phán rằng: Các ngươi có thấy mọi điều đó chăng? Quả thật, ta nói cùng các ngươi, đây sẽ không còn một hòn đá nào chồng trên một hòn khác mà không bị đổ xuống.
Ngài đương ngồi trên núi Ô-li-ve, môn đồ tới riêng cùng Ngài, và nói rằng: Xin Chúa phán cho chúng tôi biết lúc nào những sự đó sẽ xảy ra? Và có điềm gì chỉ về sự Chúa đến và tận thế.” (Ma-thi-ơ 24:1-3; Cũng xem Ma-thi-ơ 24-25, Mác 13, Lu-ca 21).
Tựu trung họ hỏi ba câu:
– Khi nào những điều này (sẽ không còn một hòn đá nào của các nhà thuộc đền thờ Giê-ru-sa-lem, chồng trên một hòn khác mà không bị đổ xuống) sẽ xảy đến?
– Dấu hiệu nào cho biết Chúa sắp tái lâm?
– Dấu hiệu nào cho biết kỳ tận thế?
Điều rõ ràng là không ai biết được chính xác ngày và giờ Chúa Giê-su tái lâm (Ma-thi-ơ 24:36; Công vụ 1:7). Tuy nhiên Chúa chúng ta để lại cho Hội ThánhNgài hai dấu hiệu cảnh báo: (1) Các Christ giả mạo sẽ đến cám dỗ các Cơ-đốc nhân (Ma-thi-ơ 24:4-5). (2) Những tiếng đồn về chiến tranh; có chiến tranh giữa các dân tộc; có đói kém và động đất (Ma-thi-ơ 24:6-7).
Sau đây là những sự kiện sẽ xảy ra trong thời kỳ cuối cùng theo trình tự thời gian.
Các hoạt động ở trên trời
Sự cất lên của Hội Thánh (Giăng 14:1-3; 1 Cô-rin-tô 15:51-55; 1 Tê-sa-lô-ni-ca 4:13-18; Khải huyền 4:1): Nhiều học giả Kinh Thánh cho rằng sự kiện nổi bật tiếp theo sẽ là sự cất lên của Hội Thánh. Từ “cất lên” trong Tiếng Hy-lạp có nghĩa là bắt lấy đem đi. “Kế đến chúng ta là kẻ sống, mà còn ở lại, sẽ cùng nhau đều được cất lên với những người ấy giữa đám mây, tại nơi không trung mà gặp Chúa, như vậy chúng ta sẽ ở cùng Chúa luôn luôn.” (1 Tê-sa-lô-ni-ca 4:17). Từ này cũng liên quan đến cụm từ Phao-lô sử dụng “sự trông cậy hạnh phước” (Tít 1:13). Sự kiện này sắp xảy ra và có thể xảy ra bất cứ lúc nào (Rô-ma 13:11-12; Gia-cơ 5:7-9). Khi tiếng kèn chót thổi lên các Cơ-đốc nhân sẽ được biến hóa trong một thân thể phục sinh và được cất lên trước cơn đại nạn (1 Cô-rin-tô 15:52-58; 2 Cô-rin-tô 5:2-4; 1 Tê-sa-lô-ni-ca 4:16). Các Cơ-đốc nhân không cần phải chịu đựng cơn đại nạn, vì họ được cứu khỏi sự thạnh nộ của Đức Chúa Trời (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:9; Khải huyền 3:10). Hơn nữa, Hội Thánh không được nói đến trong cơn đại nạn (Giê-rê-mi 30:4-11; Đa-ni-ên 8:24-27; Ma-thi-ơ 13:30, 39-42; 2 Tê-sa-lô-ni-ca 2:1-11; Khải huyền 4-18)
Sự phán xét của Đấng Christ (Rô-ma 14:10; 1 Cô-rin-tô 3:9-15; 4:1-5; 9:24-27; 2 Cô-rin-tô 5:10). Phao-lô dạy rằng mỗi tín hữu sẽ đứng trước ngai phán xét của Đấng Christ. “Vì chúng ta hết thảy sẽ ứng hầu trước tòa án Đức Chúa Trời.” (Rô-ma 14:10). Tại tòa án này các Cơ-đốc nhân sẽ được nhận phần thưởng hoặc sẽ bị mất phần thưởng, nhưng sự cứu rỗi không bị ảnh hưởng (Rô-ma 8:1; 1 Cô-rin-tô 3:9-15). Mỗi tín nhân sẽ khai trình, tính sổ công tác quản gia của mình (1 Cô-rin-tô 4:5) tại đây.
Lễ cưới của Chiên Con (2 Cô-rin-tô 11:2; Khải huyền 19:6-8): Tiệc cưới Chiên Con là tiệc cưới của Đấng Christ (Tân Lang) và Hội Thánh (Tân phụ) trên thiên đàng sau sự phán xét. Sau đó là sự thờ phượng trên thiên đàng, và Chiên Con nhận quyển sách được đóng bảy ấn (Khải huyền 4:1-5:14)
Các sự kiện dưới đất
Bảy năm đại nạn (Đa-ni-ên 9:24-27; Khải huyền 4-19): Sách Đa-ni-ên đưa ra lời tiên tri là Antichrist sẽ ký một hiệp ước hòa bình bảy năm với Israel (Đa-ni-ên 9:27) – và đây sẽ là dấu hiệu bắt đầu cho bảy năm đại nạn. Cơn đại nạn được chia làm hai giai đoạn, mỗi giai đoạn ba năm rưỡi.
Ba năm rưỡi đầu tiên:
(1) Đền thờ của người Do Thái được xây dựng (Khải huyền 11:1)
(2) Đế quốc Rô-ma cổ đại hồi sinh (Đa-ni-ên 2:40-44; 7:7-8, 24)
(3) Bảy ấn và bảy tiếng kèn phán xét thế giới (Khải huyền 6-11:19 mô tả sự tàn phá nặng nề trên đất); và
(4) 144.000 thầy giảng tin lành Do Thái chia sẻ Phúc Âm cho thế giới.
Trung điểm của cơn đại nạn: (các sự kiện tiên tri đề cập ở đây không bị hạn chế theo trình tự thời gian này)
(1) Liên minh Hồi giáo và Nga tấn công Israel (Gog và Magog trong Ê-xê-chi-ên 38-39) nhưng liên minh này sẽ bị quyền năng siêu nhiên của Đức Chúa Trời làm cho thất bại thảm hại (Đa-ni-ên 11:40-45).
(2) Antichrist bẻ gãy hiệp ước với Israel và tiến hành xâm lược vùng đất thánh (Đa-ni-ên 11:40-41).
(3) Antichrist sẽ phạm thượng, làm mất đi tính chất thiêng liêng trong đền thờ (Đa-ni-ên 9:27; Ma-thi-ơ 24:15, 2 Tê-sa-lô-ni-ca 2:4; Khải huyền 13:5).
(4) Antichrist sẽ bị giết chết hoặc bị thương trầm trọng và có vẻ như được sống lại (Khải huyền 13:12, 14).
(5) Satan tấn công, khủng bố mãnh liệt Israel (Khải huyền 12:7-13; 13); và
(6) Antichrist kiểm soát đế quốc Rô-ma hồi sinh (khối liên minh gồm mười quốc gia, Đa-ni-ên 7:24; Khải huyền 17:12-13).
Giai đoạn hai của cơn đại nạn:
42 tháng còn lại hay 1,260 ngày (Khải huyền 11:2-3) của cơn đại nạn (Ma-thi-ơ 24:21) hay Ngày Của Chúa (Ê-sai 2:12; Giô-ên 1:15; Xa-cha-ri 14:1; 1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:2) là thời gian khủng khiếp và đen tối nhất trong lịch sử nhân loại (Ma-thi-ơ 24:8, 21, 29; Khải huyền 6:16). Điều này giống như “sự đau đớn xảy đến cho người đàn bà có nghén” xảy ra và tiếp tục gia tăng với bảy bát thạnh nộ của Đức Chúa Trời (Khải huyền 15:1-16:21). Tiên tri giả, Con thú như là hiện thân của Antichrist sẽ chinh phục và cai trị thế giới (Đa-ni-ên 11:42-43; Khải huyền 13:5, 15-18). Điểm cuối cùng của cơn đại nạn là sự hủy diệt Ba-by-lôn (Khải huyền 17-18) và trận đánh Armageddon (Khải huyền 16:16). Đấng Christ sẽ tái lâm, đạo binh trên trời cưỡi ngựa bạch theo Ngài (Khải huyền 19:11-16). Vương quốc thiên hy niên được thiết lập (Xa-cha-ri 14:4; Khải huyền 20:4-6)
Khoảng thời gian bảy mươi lăm ngày (Đa-ni-ên 12:11-12): Có một khoảng thời gian bảy mươi lăm ngày giữa lần đến thứ hai của Đấng Christ và sự khởi đầu chính thức của vương quốc ngàn năm bình an. Trong thời gian này tiên tri giả và Antichrist bị ném vào hồ lửa (Khải huyền 19:20-21). Sau đó “Sa-tan cũng phải được thả ra trong ít lâu.” (Khải huyền 20:1-3); Làm tinh sạch đền thờ (Đa-ni-ên 12:11; 2 Tê-sa-lô-ni-ca 2:4); Israel và các dân ngoại bị xét đoán (Ma-thi-ơ 25:1-46), và sự sống lại của các thánh đồ trong cơn đại nạn và trong thời Cựu ước (Đa-ni-ên 12:1-3; Khải huyền 20:4)
Vương quốc thiên hy niên (Thi thiên 2:6; Ê-sai 2:1-4; 33:5; 35:1-10; Ê-xê-chi-ên 48:35; Khải huyền 20:4-6): Đấng Christ trị vì thế giới trong một ngàn năm. Có hòa bình hoàn toàn trên các quốc gia, sự thịnh vượng về nông nghiệp ở Israel, kinh tế phồn vinh, tuổi thọ của đời sống được kéo dài, và Đấng Christ giải thoát thế giới khỏi những ảnh hưởng từ sự sa ngã của tổ phụ loài người. Sự cai trị của Christ đem đến sự công nghĩa, thánh khiết trên toàn thế giới.
Cuộc nổi loạn cuối cùng của Satan (Khải huyền 20:7-10). Satan được thả ra, nhóm họp dân Gót và Ma-gót tiến hành chiến tranh tấn công các thánh đồ, rồi sau đó bị hủy diệt đời đời. “Ma quỉ là đứa đã dỗ dành chúng, thì bị quăng xuống hồ lửa và diêm, trong đó đã có con thú và tiên tri giả rồi.” (Khải huyền 20:10)
Tòa lớn và trắng –sự phán xét cuối cùng. “Tôi thấy những kẻ chết, cả lớn và nhỏ, đứng trước tòa, và các sách thì mở ra. Cũng có mở một quyển sách khác nữa, là sách sự sống; những kẻ chết bị xử đoán tùy công việc mình làm.” Những ai từ chối Đấng Christ đều bị quăng xuống hồ lửa (Khải huyền 20:11-15).
Trời mới và đất mới (Khải huyền 21-22): Thế giới hiện tại – cõi sáng tạo cũ sẽ qua đi (Ê-sai 34:4; Ma-thi-ơ 24:35; 2 Phi-e-rơ 3:10-12; Khải huyền 21:1), và trời mới đất mới được thiết lập đời đời là nơi sự công bình ngự trị (2 Phi-e-rơ 3:13).
Giê-ru-sa-lem mới (Khải huyền 21:10-22:5): Giê-ru-sa-lem mới là thủ phủ của trời mới và đất mới, là nơi mà sự vinh hiển của Đức Chúa Trời chiếu sáng mãi mãi (Khải huyền 21:11, 23)
ÁP DỤNG
Thật là vinh hiển và phước hạnh khi chúng ta sẽ thừa hưởng nước Đức Chúa Trời trong tương lai. Đức Chúa Trời đã bày tỏ những điều huyền nhiệm này cho dân sự của Ngài, để chúng ta trung tín rao giảng Phúc Âm, mở rộng vương quốc của Chúa cho đến khi Đấng Christ trở lại.
KINH THÁNH THAM KHẢO
Đa-ni-ên 9:24-27; Ma-thi-ơ 24-25; Mác 13; Lu-ca 21; 1 Tê-sa-lô-ni-ca 4:13-18; Khải huyền 4-22
Mục sư Phạm Hơn biên soạn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *