Sự Khải Thị Phổ Quát Là Gì?

Theo một nghĩa nào đó, chủ đề của Kinh Thánh là thực tế về sự mặc khải của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời làm cho chính Ngài được nhận biết để chúng ta là những tạo vật thông minh của Ngài có thể hiểu biết Ngài và thiết lập mối liên hệ cá nhân với Ngài. Bởi vì Đức Chúa Trời là Đấng sáng tạo và bảo tồn hoàn vũ. Các tạo vật tự làm chứng về lẽ thật này. Do đó, Kinh Thánh mô tả sự khải thị của Đức Chúa Trời thông qua những con đường – có thể được phân loại là sự mặc khải phổ quát và sự mặc khải đặc biệt. Sự mặc khải chung hay khải thị phổ quát thì luôn có sẵn cho tất cả mọi người trong suốt mọi thời đại. Còn sự khải thị đặc biệt là khải thị mà Đức Chúa Trời ban cho những con người cụ thể trong một thời gian đặc biệt. Những phạm trù này đôi khi được dán nhãn tương ứng là mặc khải “tự nhiên” và “siêu nhiên”, cho thấy rằng mặc khải phổ quát được truyền đạt thông qua các hiện tượng tự nhiên trong khi mặc khải đặc biệt được truyền đạt thông qua sự can thiệp siêu nhiên. Cả hai hình thức mặc khải này được đề cập trong Thi thiên 19. Đa-vít viết, “Các từng trời rao truyền sự vinh hiển của Đức Chúa Trời,

Bầu trời giãi tỏ công việc tay Ngài làm.

Ngày nầy giảng cho ngày kia,

Đêm nầy tỏ sự tri thức cho đêm nọ.

Chẳng có tiếng, chẳng có lời nói;

Cũng không ai nghe tiếng của chúng nó.

Dây đo chúng nó bủa khắp trái đất,

Và lời nói chúng nó truyền đến cực địa.

Nơi chúng nó Ngài đã đóng trại cho mặt trời” (câu 1-4)

Các câu này bày tỏ rằng các tạo vật bày tỏ ra sự vinh hiển của Đức Chúa Trời. Đa-vít cũng viết, “Luật pháp của Đức Giê-hô-va là trọn vẹn, bổ linh hồn lại; Sự chứng cớ Đức Giê-hô-va là chắc chắn, làm cho kẻ ngu dại trở nên khôn ngoan.  Giềng mối của Đức Giê-hô-va là ngay thẳng, làm cho lòng vui mừng; Điều răn của Đức Giê-hô-va trong sạch, làm cho mắt sáng sủa.  Sự kính sợ Đức Giê-hô-va là trong sạch, hằng còn đến đời đời; Các mạng lịnh của Đức Giê-hô-va là chân thật, thảy đều công bình cả.  Các điều ấy quí hơn vàng, thật báu hơn vàng ròng; Lại ngọt hơn mật, hơn nước ngọt của tàng ong.  Các điều ấy dạy cho kẻ tôi tớ Chúa được thông hiểu;

Ai gìn giữ lấy, được phần thưởng lớn thay.” (câu 7-11) Trong những câu này tác giả đề cập đến những giá trị của “luật pháp Đức Giê-hô-va.”

CÁC HÌNH THỨC VÀ NỘI DUNG CỦA KHẢI THỊ PHỔ QUÁT

Kinh Thánh dạy rằng Đức Chúa Trời bày tỏ chính Ngài cho tất cả mọi người xuyên qua các công trình sáng tạo kỳ diệu của Ngài và đặc biệt là xuyên qua con người của chúng ta. Nhận thức về thế giới và vũ trụ mênh mông rộng lớn vượt quá tầm hiểu biết của chúng ta chắc chắn sẽ gợi lên câu hỏi, “tất cả những điều này đến từ đâu?” Cho đến nay những nhà tư tưởng suy ngẫm về câu hỏi đó đã luôn trả lời rằng chúng đến bởi Đức Chúa Trời. Chính sự tồn tại của vũ trụ đòi hỏi một “nguyên nhân” cuối cùng – phải có một Đấng sáng tạo. Tất cả sự hài hòa, phức hợp của toàn thể vũ trụ chỉ chúng ta đến với một Đấng thiết kế hết sức khôn ngoan.

Sự trỗi dậy của chủ nghĩa tự nhiên và chủ nghĩa duy vật, cả hai đều phủ nhận những gì thuộc về siêu nhiên, đã ảnh hưởng đến một số người khiến họ phủ nhận sự tồn tại của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên những bằng chứng từ công trình sáng tạo thuyết phục chúng ta nhận biết sự thực hữu của Ngài. Thuyết Big Bang phổ biến về nguồn gốc của vũ trụ chỉ ra sự khởi đầu và vô hình trung chỉ về một Đấng Sáng tạo. Các thiết kế phức hợp và phức tạp trong tự nhiên ngày càng đưa ra bằng chứng về việc có một Nhà thiết kế cực kỳ thông minh cho cả vũ trụ này.

Tất cả những sự bày tỏ trên đây khiến cho Henry Wadsworth Longfellow đã viết, “Thế giới tự nhiên là sự mặc khải về Đức Chúa Trời; nghệ thuật là sự bày tỏ về con người.”Những công việc  của cá nhân bày tỏ ra khả năng của người đó, vì vậy toàn thể vũ trụ phô bày ra các thuộc tính của Đức Chúa Trời. “Các từng trời rao truyền sự vinh hiển của Đức Chúa Trời,

Bầu trời giãi tỏ công việc tay Ngài làm.”

(Thi thiên 19:1)

“Sự vinh hiển của Đức Chúa Trời” đề cập đến chính bản chất của Đức Chúa Trời được hiển hiện. Đây là sự phô bày các đặc tánh của Ngài.

 

Phao-lô viết rằng thế giới tự nhiên bày tỏ ra các thuộc tính của Thiên Chúa. Khi giảng dạy cho những người mà không nhận được bất kỳ sự mặc khải đặc biệt nào, ông nói, “Vì điều chi có thể biết được về Đức Chúa Trời thì đã trình bày ra cho họ, Đức Chúa Trời đã tỏ điều đó cho họ rồi, bởi những sự trọn lành của Ngài mắt không thấy được, tức là quyền phép đời đời và bổn tánh Ngài, thì từ buổi sáng thế vẫn sờ sờ như mắt xem thấy, khi người ta xem xét công việc của Ngài. Cho nên họ không thể chữa mình được, vì họ dẫu biết Đức Chúa Trời, mà không làm sáng danh Ngài là Đức Chúa Trời, và không tạ ơn Ngài nữa; song cứ lầm lạc trong lý tưởng hư không, và lòng ngu dốt đầy những sự tối tăm.” (Rô-ma 1:19-21)

Sự sáng tạo của Đức Chúa Trời bày tỏ “quyền năng đời đời” và “bản chất thần thánh” – các phẩm chất này bày tỏ Ngài là Đức Chúa Trời và Ngài xứng đáng để các tạo vật thờ phượng. Mặc dù Ngài không phải là một phần của tự nhiên, như một số tôn giáo khẳng định, và mặc dù Ngài vô hình, nhưng Đức Chúa Trời vẫn được bày tỏ trong công việc của Ngài. Chúng mang dấu ấn của Ngài rõ ràng đến nỗi không ai có thể thoát khỏi sự thật về sự tồn tại của Ngài. Richard Wurmbrand (1909-2001), một người nổi tiếng về sự chịu khổ vì Phúc âm trong tư cách là một nhà truyền giáo dưới chế độ cộng sản tại đất nước Romania, ông đã kể một cuộc đối thoại của cặp vợ chồng người Nga là những nhà điêu khắc và đã được dạy cả đời rằng không có Chúa sau đây:

Một lần nọ, chúng tôi thực hiện việc điêu khắc pho tượng của Stalin, vợ tôi hỏi: “Chồng ơi, ngón tay cái thế nào? Nếu chúng ta không thể đối lập ngón tay cái với các ngón tay khác – nếu các ngón tay của bàn tay giống như ngón chân – chúng ta không thể cầm một cái búa, một cái vồ, một cuốn sách, một mẩu bánh mì hay bất kỳ dụng cụ nào. Cuộc sống của con người sẽ là cực kỳ khó khăn nếu không có ngón tay cái nhỏ bé này. Nào, ai đã tạo ra ngón tay cái? Cả hai chúng ta được học về chủ nghĩa Mác ở trường dạy rằng bầu trời và mặt đất tự nhiên mà có. Chúng không phải là tạo vật của Thiên Chúa. Tôi học như thế và được bảo phải tin như thế. Nhưng nếu Thiên Chúa không sáng tạo bầu trời và mặt đất, và Ngài chỉ tạo ra ngón tay cái mà thôi, thì Ngài cũng sẽ đáng được ca ngợi vì điều nhỏ bé này.

Chúng ta ca ngợi Edison, Bell và Stephenson là những người phát minh ra bóng đèn điện, điện thoại, đường ray xe lửa và những điều khác. Nhưng tại sao chúng ta không ca ngợi người làm ra ngón tay cái? Nếu Edison không có ngón tay cái, liệu ông ta có phát minh ra được thứ gì không? Vậy nên điều đúng đắn là thờ phượng Thiên Chúa là Đấng làm nên ngón tay cái.

Ông chồng nghe vợ nói và trở nên rất giận dữ… “Đừng nói cách ngu muội. Bà đã được dạy rằng không có Đức Chúa Trời. Bà không biết là ngôi nhà chúng ta có bị nghe trộm hay sao, chúng ta sẽ có thể gặp vào rắc rối với những lời nói của bà. Hãy ghi nhớ một lần và mãi mãi rằng không có Thiên Chúa. Ở trên thiên đường không có ai cả.”

Người vợ trả lời, “Đây là một điều ngạc nhiên hơn nữa. Nếu trên thiên đàng có Đức Chúa Trời toàn năng mà tổ tiên chúng ta tin tưởng trong sự ngu ngốc, và điều tự nhiên là chúng ta có những ngón tay cái. Đức Chúa Trời toàn năng có thể làm được mọi điều, vì vậy Ngài có thể tạo ra ngón tay cái nữa. Nhưng nếu trên thiên đàng không có ai, thì đối với tôi, tôi quyết định tôn thờ hết cả tấm lòng mình với “Không có ai” là người đã tạo ra ngón tay cái.

Bạn nghĩ sao về câu chuyện này?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *