Tấm Lòng Vui Mừng

(Tấm) Lòng vui mừng vốn một phương thuốc hay;

Còn trí nao sờn làm xương cốt khô héo.

Châm Ngôn 17:22

Chúng ta hãy đặt một số câu hỏi về câu Kinh Thánh trên để khám phá những bài học mà câu Kinh Thánh này đem lại.

 

Tại sao lại là tấm lòng? Trọng tâm của sách Châm Ngôn đó là về sự khôn ngoan; trong bản văn tiếng Hê-bơ-rơ, từ khôn ngoan được lặp lại gần một trăm lần. Tuy nhiên từ tấm lòng cũng xuất hiện gần một trăm lần! Đa số mọi người liên kết sự khôn ngoan với việc giáo dục tâm trí, tuy nhiên Kinh Thánh liên kết sự khôn ngoan với cả tâm trí lẫn tấm lòng. Giáo dục là sự học hỏi, tuy nhiên khôn ngoan là việc áp dụng những điều học được và gặt hái thành công. “Người có lòng khôn ngoan, nhận tiếp những điều răn” (Châm Ngôn 10:8); “Ai có lòng khôn ngoan được gọi là thông sáng” (Châm Ngôn 16:21). Học về lẽ thật vẫn chưa đủ; chúng ta cũng phải yêu mến lẽ thật và sự khôn ngoan. Biết về Kinh Thánh không có nghĩa là tiếp nhận những lẽ thật sâu sắc, là những điều bày tỏ sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời. “Có phải Đức Chúa Trời đã làm cho sự khôn ngoan của thế gian ra rồ dại không?” (1 Cô-rinh-tô 1:20). Các thê thiếp của Sa-lô-môn đã khiến tấm lòng của ông quay lưng lại với Chúa (1 Các vua 11:3-4), và ông quên đi điều mình đã ghi rằng: “Khá cẩn thận giữ tấm lòng của con hơn hết, Vì các nguồn sự sống do nơi nó mà ra” (Châm Ngôn 4:23). Sự sống của chúng ta tuôn ra từ sự phong phú trong tấm lòng (Ma-thi-ơ 12:34), và nếu chúng ta không cẩn thận gìn giữ tấm lòng, chúng ta sẽ không học được sự khôn ngoan của Chúa.

 

Tại sao lại là tấm lòng vui mừng? Chúng ta sẽ biết rất nhiều về tính cách và tham vọng của một người khi biết được điều gì khiến họ hạnh phúc. Tuy nhiên hạnh phúc không phải là điều chúng ta theo đuổi, mà đó là kết quả phụ khi chúng ta vâng theo ý muốn của Chúa. Nếu chúng ta bước đi cùng Chúa và vâng theo Ngài, Đức Thánh Linh sẽ ban cho chúng ta tấm lòng vui mừng, và “sự vui vẻ của Đức Giê-hô-va là sức lực của các ngươi.” (Nê-hê-mi 8:10). Quan điểm của một người thường quyết định kết quả mà họ nhận được, chính vì thế khi bắt đầu một ngày với thái độ tiêu cực sẽ cướp đi khỏi chúng ta phước hạnh của Chúa. “Trái của Thánh Linh, ấy là lòng yêu thương, sự vui mừng, [và] bình an” (Ga-la-ti 5:22). Sự vui mừng thật trong Chúa không phụ thuộc vào hoàn cảnh hoặc sự quan tâm của người khác. Phao-lô và Si-la đầy lòng vui mừng khi ở trong tù (Công vụ 16:25), và Đức Chúa Giê-su hát thánh ca trước khi Ngài đến khu vườn để chịu nộp mình (Ma-thi-ơ 26:30). Không phải lúc nào Đức Chúa Trời cũng thay thế nỗi đau và gánh nặng bằng sự vui mừng; nhưng Ngài thường biến nỗi đau và gánh nặng trở thành niềm vui! Một đứa trẻ có thể khiến người mẹ trải qua sự đau đớn khi sanh nở, nhưng cùng một đứa trẻ ấy cũng đem lại cho người mẹ niềm vui (Giăng 16:20-24).

 

Tấm lòng vui mừng đem lại điều tốt gì? Sa-lô-môn viết rằng: “lòng vui mừng vốn một phương thuốc hay” (Châm Ngôn 17:22). Đơn thuốc không thay đổi chúng ta, nhưng chính dược phẩm mới là điều khiến chúng ta lành bệnh. “Ngài ra lệnh chữa họ lành” (Thi Thiên 107:20). Sự sửa phạt của Chúa lúc đầu không phải là niềm vui, nhưng về sau sẽ sản sinh “bông trái bình an” (Hê-bơ-rơ 12:11). Hãy suy ngẫm Lời Chúa, cầu nguyện và có mối thông công với những con người cầu nguyện, thì sự vui mừng của Chúa sẽ thẩm thấu và bắt đầu chữa lành tấm lòng của bạn. Đức Chúa Trời không được tôn vinh bởi những Cơ Đốc Nhân hay chỉ trích, hay hờn dỗi và thường than phiền. Nhưng Ngài được tôn vinh qua những con người chấp nhận ý muốn Chúa và tìm thấy niềm vui đem lại sự chữa lành của ân điển Ngài. Thư tín của Phao-lô gửi cho người Phi-líp tràn ngập niềm vui, song ông đã viết bức thư ấy khi bị giam cầm tại Rô-ma, trong thời gian chờ đợi để bị hành hình!

 

Chúng ta bắt đầu thế nào? Bằng cách không nhìn vào chính mình, cũng không nhìn vào hoàn cảnh, nhưng bởi đức tin mà nhìn xem Đức Chúa Giê-su (Hê-bơ-rơ 12:1-2). Chúng ta sẽ ngừng hờn dỗi, không còn phàn nàn, và chúng ta bắt đầu dành thời gian để suy ngẫm Kinh Thánh và để những lời hứa của Chúa lấp đầy chúng ta giống như “dược phẩm.” Trọng tâm của mỗi một vấn đề đó chính là vấn đề của tấm lòng. Nếu chúng ta cầu xin, Chúa có thể phục hồi niềm vui cứu rỗi của Ngài trong chúng ta (Thi Thiên 51:12). Không gì có thể thay thế việc chờ đợi Chúa và yên nghỉ nơi lời hứa của Ngài.

Hãy phó thác đường lối mình cho Đức Giê-hô-va,

Và nhờ cậy nơi Ngài,

Thì Ngài sẽ làm thành việc ấy.

Thi Thiên 37:5

 

 

 ADMIN

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *